Kinhtedothi - Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu (XK), đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo "Đàm phán TPP, các lợi ích và thách thức mới cho DN" vừa được tổ chức.
Cơ hội rộng mở
Đàm phán gia nhập TPP gồm nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Australia... Khi TPP có hiệu lực, có đến 90% dòng thuế sẽ được giảm bằng 0%, tạo điều kiện thuận lợi để các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản của Việt Nam mở rộng thị trường, gia tăng XK. Theo ước tính của Bộ Công Thương, khi tham gia TPP, thị phần mặt hàng dệt may tại thị trường Mỹ có thể tăng từ mức 10% hiện nay lên 35%.
Ông Trần Quang Nghị - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, TPP góp phần thúc đẩy đầu tư vào khâu nguyên liệu nên các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đều được nâng cao. Dự kiến, ngành sẽ sớm đạt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.
Không chỉ có dệt may, nhiều ngành hàng khác như thép, gỗ cũng đang kỳ vọng vào TPP. Với việc mở rộng thị trường tới gần 30 quốc gia trên thế giới như hiện nay, nhiều DN của ngành thép đang kỳ vọng sẽ có cơ hội gia tăng XK, góp phần giảm bớt áp lực thừa cung tại thị trường nội địa. Theo nhận định của ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép trong nước sẽ có nhiều thuận lợi khi tham gia TPP, không chỉ có cơ hội gia tăng XK các mặt hàng ở phân khúc trung bình mà còn nhập khẩu được sản phẩm tốt hơn.
Trong lĩnh vực da giày, lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam khi tham gia TPP so với Trung Quốc được đánh giá cao hơn hẳn, bởi thuế XK da giày Việt Nam vào Mỹ sẽ chỉ còn 0% nên các nhà nhập khẩu đang có xu hướng chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế. Theo đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), để tận dụng được các ưu đãi thuế quan khi tham gia TPP, các DN phải định vị lại chiến lược thị trường, xác định rõ các cơ hội và thách thức, để từ đó, cải tiến sản xuất, cắt giảm chi phí cũng như phải thay đổi phương thức kinh doanh chuyển từ gia công sang FOB nhằm gia tăng lợi thế.
Còn nhiều rào cản
Tuy đã có "tên tuổi" trên bản đồ XK thế giới với một số mặt như cà phê, gạo, hạt tiêu, tôm, cá tra, dệt may... nhưng Việt Nam hiện vẫn thiếu những mặt hàng XK có thương hiệu riêng để khẳng định vị thế cạnh tranh bền vững. Đây là nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Tư vấn trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo Đánh giá tiềm năng XK quốc gia. Thống kê thương mại theo giá trị gia tăng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giá trị gia tăng tạo ra của các ngành công nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 30 - 40%. So với các nước trong khu vực, Việt Nam kém xa Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Indonesia cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.
Bên cạnh đó, phần lớn các mặt hàng nông sản và thủy sản Việt Nam chưa có thương hiệu, XK chủ yếu qua các bên trung gian, khiến giá trị XK còn thấp, các DN bị lệ thuộc nhiều, chưa chủ động được trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đây là những rào cản không nhỏ khi tham gia TPP.
Đáng chú ý, theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư: Trong TPP đưa ra rất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách sau đường biên giới như: DN Nhà nước, mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ. Bản chất của hiệp định này là môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, nên cải cách của Việt Nam cũng phải theo yêu cầu. Điều đó cho thấy, muốn tạo điều kiện cho DN tăng kim ngạch XK đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế, pháp lý, chế tài thực thi, từ đó khôi phục, tạo dựng lòng tin đối với thị trường, đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các DN phải chuyển dần cách thức cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh phi giá; đồng thời, DN phải học cách kết nối bởi nếu thiếu kết nối, DN sẽ không thể "chạy" cùng sự dịch chuyển nhanh của các nhân tố quyết định khả năng cạnh tranh.
TPP thúc đẩy đầu tư khâu nguyên liệu nên tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may được nâng cao. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty May Đức Giang. Ảnh: Việt Dũng
|