Nâng cao vị thế Thủ đô
Năm 2023 là thời điểm mang tính bản lề trong thực hiện Nghị quyết 15 với những bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị có sức lan toả, thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.
Nghị quyết 15 đề ra mục tiêu đến năm 2025, TP phát triển nhanh và bền vững hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; nâng GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Và đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm quản lý quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).
Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.
Khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn lực về tài nguyên, nhất là đất đai, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, môi trường, xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch.
Xây dựng vành đai công nghiệp
Có thể nói, trong các nhiệm vụ đã được nêu rõ tại Nghị quyết 15, ngành TN&MT giữ vai trò là cơ quan tham mưu chủ chốt trong quy hoạch đất đai, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị xanh. Trong đó, định hướng vừa bảo tồn hoạt động nông nghiệp, sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất làng nghề và đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại..
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Sở TN&MT năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, Sở TN&MT phải phối hợp với các sở, ngành khác để nghiên cứu các vùng chuyển đổi, thực hiện tập trung giải quyết chuyển đổi cơ cấu lao động ngay từ khâu quy hoạch.
Dù chỉ tiêu nâng GRDP đầu người thành 36.000 đô la/người theo nghị quyết 15 Xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045 rất khó khăn nhưng là nhiệm vụ phải thực hiện. Trong đó, việc tận dụng nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội phải được đặc biệt chú trọng.
Ví dụ, phía Bắc sông Hồng (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) với đặc thù đã có các vùng công nghiệp lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên nên nếu đặt thêm các khu công nghiệp sẽ đạt hiệu quả thấp. Thay vào đó, việc định hướng phát triển dịch vụ, xây dựng nên vành đai công nghiệp trung tâm logistic, ngân hành, thương mại của các tỉnh sẽ phù hợp với vai trò, vị thế của Thủ đô.
Tại khu phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), theo định hướng phát triển trở thành TP khoa học công nghệ, đào tạo, y tế... nhu cầu về nhà ở, vui chơi giải trí phục vụ người lao động, chuyên gia sẽ tăng nhanh. Do đó, ngành TN&MT cần đẩy mạnh thực hiện tham mưu chính sách về đất đai, đồng thời nghiên cứu thu hút nhà đầu tư vào TP triển khai các dự án. Đây cũng là nền tảng để chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành thương mại, dịch vụ.
Trong những nhiệm vụ đóng góp cho mục tiêu phát triển TP, việc đẩy nhanh các công tác thực hiện quy hoạch đường Vành đai 4 cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Do dự kiến tỉ lệ lấp đầy đô thị của TP Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cao, cộng với nhu cầu liên thông, kết nối phục vụ phát triển kinh tế, thương mại giữa các vùng lân cận với Thủ đô.
Thời gian tới, Sở TN&MT cần tiếp tục cùng các quận, huyện thực hiện công tác GPMB để tháng 6/2023 cơ bản hoàn thành, bàn giao đất, khởi công vành đai 4 đạt mục tiêu năm 2026 đi vào hoạt động. Đồng thời, để hiệu quả cao về tiến độ, cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên... để sớm “thông đường”.
“Đây là dự án huyết mạch kết nối với các tỉnh, tạo điều kiện đô thị hóa. Từ Vành đai 2.5, Vành đai 3 đến Vành đai 4, phải đáp ứng được tỉ lệ lấp đầy đô thị mới đẩy nhanh được quá trình hình thành các khu đô thị, các khu thương mại dịch vụ.. mới thu được về ngân sách, tạo điều kiện chuyển đổi được cơ cấu lao động” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.
Song song, các nội dung khác thuộc ngành TN&MT như: quy hoạch chất thải rắn, quy hoạch rừng, quy hoạch cấp thoát nước, quy hoạch về môi trường, quy hoạch khoáng sản.. cần sớm được tích hợp vào quy hoạch của TP để cùng lúc có cơ sở triển khai dịch vụ, đảm bảo Hà Nội là địa phương phát triển đồng bộ cả về kinh tế - xã hội, môi trường sống xanh - văn minh - hiện đại.