70 năm giải phóng Thủ đô

Tản Hồng nâng cao đời sống cho nông dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tản Hồng là một trong những điểm sáng về xây dựng NTM trên địa bàn huyện Ba Vì.

Mặc dù không phải là xã điểm NTM của huyện, song ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, cán bộ và Nhân dân xã Tản Hồng đã đoàn kết, ra sức phấn đấu cán đích sớm mục tiêu vào cuối năm 2014. Về Tản Hồng hôm nay, bộ mặt NTM đã hiện ra khá rõ nét, không chỉ ở những công trình khang trang mà còn trên gương mặt phấn khởi của người dân địa phương. Chị Phạm Thị Thu Hường, thôn La Thiện chia sẻ: “Mừng nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp, xe máy chạy ra đến tận ruộng. Rồi máy gặt đập liên hợp, máy làm đất được đưa vào sản xuất, giảm bớt sức lao động cho người nông dân”.

Nghề may công nghiệp tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động xã Tản Hồng, huyện Ba Vì. Ảnh: Quang Thiện

Không những thế, các nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng với đầy đủ trang thiết bị đã trở thành điểm đến sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao hàng ngày của người dân. Qua đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân các thôn xóm. Theo lãnh đạo xã Tản Hồng, nhiệm vụ hiện nay là tập trung hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nhằm nâng cao đời sống cho người dân một cách bền vững. Là xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, nên việc đầu tư phát triển sản xuất được Đảng ủy, UBND xã đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa toàn bộ hơn 280ha, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa, thuận lợi cho việc cơ giới hóa vào sản xuất. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn khá thuận lợi, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 28,5 triệu đồng/người/năm.

Ông Phương Văn Liểu - Chủ tịch UBND xã Tản Hồng cho biết, để giữ vững danh hiệu xã NTM, nâng cao đời sống cho nông dân, xã đã thành lập mới 1 HTX nông nghiệp đảm nhiệm các khâu về dịch vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng 4 trang trại, cơ sở trồng nấm. Cùng với đó, xã mở rộng vùng trồng lúa hàng hóa chất lượng cao 200ha, duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm 5ha và mở nhiều xưởng may, hàn xì tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 800 lao động. Nhìn chung các dự án phát triển sản xuất đã tạo ra chuyển biến tích cực về sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn. Qua đó làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thắt chặt liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân.

Ông Liểu cho biết, thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với Phòng LĐTB&XH huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích các DN trên địa bàn thu hút nguồn lao động tại địa phương, nhất là lao động trong các hộ nghèo để nâng cao thu nhập bền vững. Đồng thời đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung xa khu dân cư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất theo hướng chuyên canh. Để tiếp tục tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Tản Hồng kiến nghị TP hỗ trợ kinh phí để củng cố một số tiêu chí giao thông, thủy lợi nội đồng.

Thiện Quang