Hoạt động kinh doanh dịch vụ trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Chiến Công |
Vỉa hè gắn liền với sự ra đời của đô thị, vì thế nó cũng có lịch sử, có ký ức. Hầu như ở Hà Nội, không nhà mặt phố nào lại không có hoạt động thương mại, dịch vụ. Tầng một thường được dùng để (hay cho thuê) làm văn phòng giao dịch, kinh doanh, buôn bán. Câu châm ngôn “Buôn có bạn - bán có phường” đã tạo nên các phố Hàng trong khu phố cổ Hà Nội và những phố Hàng mới của ngày hôm nay như phố Cát Linh chuyên bán vật liệu xây dựng, đồ nội thất. Phố Lê Thanh Nghị chuyên về kinh doanh, sửa chữa, mua bán đồ điện tử, thiết bị văn phòng như máy tính, máy in… Đã có cửa hàng là có khách vào giao dịch, mua sắm. Vì thế cái vỉa hè là không gian tuyệt vời nhất để mọi người vô tư dựng xe máy, thậm chí nhiều nhà còn tranh thủ mấy mét vỉa hè trước cửa kê thêm cái ghế, cái bàn để chủ, khách ngồi hàn huyên, trao đổi giao dịch bên ly cà phê thơm ngát, mặc người qua lại phải né tránh với cái nhìn khó chịu. Thời buổi kinh tế thị trường, vỉa hè đã trở thành cái mỏ vàng cho các nhà mặt phố, người bán hàng rong, quán nước… và cho cả chính quyền sở tại (ở nơi này nơi khác) khai thác làm điểm trông giữ xe máy và cả ô tô để kiếm tiền. Ấy vậy mà, một thời gian rất dài, “cái mỏ vàng” quý giá đó lại bị người hàng phố và cả chính quyền sở tại lãng quên, đó là những năm tháng của thời bao cấp, khi mọi người chỉ biết sống bằng “tem phiếu”. Chỉ đến khi bước vào nền kinh tế thị trường, các loại hình kinh doanh được bung ra, chủ nhà ở mặt phố được hưởng lợi nhiều nhất bởi sự nhanh nhạy trong kinh doanh. Cửa hàng, cửa hiệu, quán ăn, quán cà phê... mở ra san sát, tấp nập kẻ bán người mua, lại thêm những gánh hàng rong với “mùa nào thức nấy” cùng tiếng rao í ới, gọi mời càng làm cho nhịp sống vỉa hè thêm ồn ã, sống động. Và cũng từ lúc ấy, người ta bắt đầu biết khai thác triệt để cái “mỏ vàng” vỉa hè để kiếm sống và làm giàu. Buôn bán trên vỉa hè một vốn ba bốn lời vì không phải mất tiền thuê địa điểm, lại thuận tiện giao dịch. Người đi đường chỉ cần dừng xe là có thể ghé vào một cửa hàng, quán ăn bất kỳ mà mình thích vừa nhanh, vừa rẻ, khỏi phải mất công, mất tiền gửi xe như vào siêu thị, vào chợ... Vỉa hè bắt đầu bị băm nát bởi sự lấn chiếm không gian của các nhà mặt phố, và cả những gánh hàng rong, hàng xôi, hàng phở, quán nước chè... của các hộ dân ở đâu đó tìm đến. Người đi bộ trên vỉa hè phải lựa chỗ mà đi, nếu không muốn phải đi xuống lòng đường lúc nào cũng đầy ắp ô tô, xe máy ?!. Cái sự nhếch nhác, hỗn độn trên vỉa hè làm mất trật tự và mỹ quan đô thị, làm cho chính quyền phải ra tay lập lại trật tự bằng tuyên truyền, vận động, rồi ra quân dọn dẹp, tháo dỡ các vật kiến trúc lấn chiếm, quyết làm cho “đường thông, hè thoáng”. 2. Câu chuyện vỉa hè là câu chuyện không bao giờ cũ. Nó luôn sống động, thu hút sự quan tâm của xã hội và giới truyền thông. Đã có nhiều ý kiến tranh luận giữa các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đô thị về việc làm sao để khai thác hiệu quả và bền vững giá trị kinh tế của vỉa hè mà không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông của người đi bộ. Trong đó, kinh tế vỉa hè được đặt ra và được nhìn nhận một cách nghiêm túc như tự thân hoạt động của nó. Nhà đô thị học người Mỹ, Giáo sư Annette Kim (Viện Công nghệ Masschusetts - Mỹ) trong một đề tài mà bà và cộng sự đã dày công nghiên cứu sau 15 năm sống ở TP Hồ Chí Minh, đã chỉ ra rằng, tất cả những sinh hoạt trên vỉa hè, bao gồm cả buôn bán, chỉ chiếm từ 10% đến 40% diện tích. Trong khi đó, hoạt động chiếm nhiều không gian nhất lại là đỗ xe gắn máy. Và bà cũng phát hiện ra điều thú vị, là trên những vỉa hè của Sài Gòn, nhiều người cùng chia sẻ không gian cho những hoạt động khác nhau, vào những thời điểm khác nhau. Như ở một góc phố, lúc 5 giờ sáng, vỉa hè là nơi ngả lưng của những người muốn hưởng sự thoáng đãng của khí trời. Sau đó là nơi phục vụ bữa sáng và cà phê. Vào lúc xế chiều, vỉa hè là nơi mọi người ngồi nghỉ, ngắm phố phường hoặc mua bán. Tất cả những câu chuyện này diễn ra trên một đoạn vỉa hè. “Và thật kỳ diệu khi ta nhận ra rằng bao nhiêu phần của cuộc sống có thể được nuôi dưỡng trong không gian công cộng khiêm nhường này” - giáo sư Annette Kim kết luận.Khách du lịch các nước đến Hà Nội hay Sài Gòn đều rất thích tham gia vào hoạt động trên vỉa hè. Họ vui vẻ nhâm nhi ly cà phê vỉa hè. Uống bia cỏ với lạc rang trên vỉa hè. Ăn bún chả trên vỉa hè. Trò chuyện với người dân bản địa trên vỉa hè. Họ thú vị khi ngồi trên những chiếc ghế nhựa để ngắm nhìn cuộc sống đang diễn ra trên vỉa hè. Để rồi, trong số đó nhiều người đã nuối tiếc là cuộc sống vỉa hè đã biến mất ở quê hương hiện đại và giàu sang của họ?! Tôi đã sống gần trọn cuộc đời ở Hà Nội, chứng kiến biết bao cuộc ra quân rầm rộ của chính quyền các cấp dọn dẹp những kiến trúc lấn chiếm trên vỉa hè như quán cóc, mái vẩy… để trả lại cho đường thông, hè thoáng. Nhưng, như “ném đá ao bèo”, cứ mỗi khi lực lượng dọn dẹp và cả cưỡng bức của chính quyền rút đi, thì hoạt động buôn bán trên hè phố lại đâu vào đấy. Lại nhộn nhịp ăn uống, mua bán (có phép và không phép) trên vỉa hè. Lại mọc lên các điểm trông giữ xe máy và cả ô tô trên vỉa hè… Phải chăng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng cho câu chuyện vỉa hè. Năm 2017, TP Hồ Chí Minh mở chiến dịch lập lại trật tự kỷ cương, dọn dẹp vỉa hè một cách quyết liệt mở đầu từ Quận I. Kết quả là đường phố thông thoáng hơn, ngăn nắp, gọn gàng hơn, người đi bộ đi lại thuận tiện hơn, nhưng những sinh hoạt thân quen thường ngày biến mất. Không hàng rong, không có trao đổi, mua bán trên vỉa hè, trong khi các cửa hàng, quán ăn vẫn mở cửa như mọi khi, nhưng người ta lại cảm thấy thiếu sức sống, thiếu sự nhộn nhịp vốn có. Và như thế, chỉ chưa đầy tháng, các đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người dân tới tấp gửi đến lãnh đạo cao nhất của TP. Thế là chiến dịch dọn dẹp vỉa hè phải dừng lại sau 3 tháng triển khai. Người thủ lĩnh của chiến dịch lừng danh này chuyển vị trí lãnh đạo khác?! Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu đô thị đã nhận ra rằng, có một khoảng không gian đệm giữa không gian công cộng (là vỉa hè) và không gian riêng tư của cá nhân (là cửa hàng, nhà phố). Đó là không gian giao thoa nửa chung, nửa riêng và mọi sinh hoạt dường như diễn ra ở đây, sức sống của con phố cũng hình thành từ đây. Và chính không gian giao thoa này là cái hồn văn hóa tạo nên một đường phố nhiều sức sống. Đó chính là “không gian kinh tế” của vỉa hè. 3. Câu chuyện vỉa hè còn nhiều điều phải bàn, nhưng kinh tế vỉa hè là có thật. Nó tồn tại một cách bền vững trong kinh tế đô thị và nó cũng tạo ra cái gọi là “văn hóa vỉa hè”. Theo Tổng cục Thống kê, kinh doanh trên vỉa hè và cửa hàng, cửa hiệu trên đường phố đã tạo ra 11 - 13% GDP của cả TP (còn thực tế thì nhiều hơn?!). Cùng với con số đó là hàng vạn người có việc làm ổn định và thu nhập ổn định bởi những gánh hàng rong, quán hàng rong trên vỉa hè đường phố.Như vậy có thể thấy, kinh tế vỉa hè rất cần được quan tâm và vì thế, cần có những giải pháp hữu hiệu của chính quyền đô thị các cấp để đảm bảo diện tích vỉa hè (không nhỏ hơn 1,5m) dành cho người đi bộ và xe lăn của người khuyết tật, nhưng không làm mất đi những hoạt động kinh tế sôi động trên vỉa hè mà pháp luật cho phép, nhất là khi chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với đô thị thông minh được quản trị bằng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.