Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tan nát rạn san hô trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều du khách tỏ ra bất ngờ khi tham gia các tour lặn biển tại vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vì những rạn san hô đẹp hút hồn ngày nào ở khu bảo tồn biển hiện nay trong tình trạng tan hoang, xơ xác…

Xác xơ sau đại dịch

Khu bảo tồn biển (KBTB) vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bao gồm các đảo như: Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Diện tích toàn khu khoảng 160km2, trong đó có khoảng 38 km2 mặt đất và 122 km2 vùng nước xung quanh các đảo.

Rạn san hô khu vực Hòn Mun chụp năm 2016. Ảnh: H. Tuấn.
Rạn san hô khu vực Hòn Mun chụp năm 2016. Ảnh: H. Tuấn.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, vịnh Nha Trang là một trong những khu vực có tầm quan trọng bậc nhất về bảo tồn biển và du lịch biển. Rạn san hô có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam gồm hơn 222 loài cá rạn, trên 350 loài san hô (chiếm 40% san hô tạo rạn trên thế giới), 120 loài thân mềm, 70 loài giáp xác, 30 loài da gai, 70 loài rong biển và khoảng 7 loài cỏ biển….

Qua các nghiên cứu và thống kê, các rạn có diện tích khoảng 252 ha với độ phủ rất cao và tập trung phân bố ở các khu vực Hòn Mun (22 ha), Hòn Tằm (20 ha), Hòn Rơm (3,2 ha), Hòn Vung (4,6 ha), Hòn Cau (3,2 ha)… Trong đó, Hòn Mun và Hòn Rơm là nơi có rạn san hô tương đối ổn định.

Nhiều rạn san tại khu vực Tây Nam Hòn Mun toang hoang do ảnh hưởng thiên tai và tác động của con người. Ảnh: Đ.Đ
Nhiều rạn san tại khu vực Tây Nam Hòn Mun toang hoang do ảnh hưởng thiên tai và tác động của con người. Ảnh: Đ.Đ

Những tưởng, trong khoảng 2 năm du lịch đóng cửa do ảnh hưởng dịch Covid-19, các rạn san hô trong khu bảo tổn biển sẽ phát triển mạnh, phong phú vì không có tác động của con người. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi du lịch mở cửa, nhiều du khách trong và ngoài nước trở lại Nha Trang và đi các tour lặn biển, ngắm san hô đều tỏ ra tiếc nuối vì chứng kiến các rạn san hô trong vịnh Nha Trang đã hoang tàn, xơ xác…

Cụ thể, tại khu vực Đông Bắc Hòn Mun thường được giới lặn biển đánh giá có quần thể san hô phong phú cùng với các sinh vật biển đa dạng nhưng nay là bãi san hô hoang tàn, san hô gãy đổ hàng loạt.

Tại khu vực phía Tây Nam Hòn Mun, càng về phía Tây, tình trạng san hô chết xuất hiện nhiều. Nhiều thảm san hô bị đánh gãy, trắng xóa cả vùng biển ở phía Đông cầu cảng. 

Các rạn san hô trong vịnh Nha Trang đang chịu tác động lớn do thiên tai và môi trường. Ảnh: Đ.Đ
Các rạn san hô trong vịnh Nha Trang đang chịu tác động lớn do thiên tai và môi trường. Ảnh: Đ.Đ

Riêng điểm lặn khu vực Nam Hòn Mun, Ban quản lý Vịnh Nha Trang yêu cầu không được sử dụng khí tài lặn (có bình dưỡng khí) bởi đây là vùng bãi đẻ của sinh vật biển nên chỉ có thể lặn bằng mặt nạ ống thở (snokerling). Tại đây, rạn san hô còn rất đẹp và phong phú thu hút nhiều nhóm cá với số lượng lớn về trú ngụ. Khu vực này khác biệt so với các điểm khác tại Hòn Mun vì gần như không bị tác động của thiên tai và con người.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Du lịch Nha Trang – đơn vị chuyên cung cấp các tour lặn biển, đi bộ dưới biển cho biết, hiện khu vực Hòn Mun từ độ sâu 2-7m gần như san hô đã bị hư hại nặng nên du khách khó có những trải nghiệm thú vị dù lặn biển hay đi tàu đáy kính tham quan.

“Riêng khu vực có độ sâu trên 7m thì các rạn san hô vẫn còn rất nhiều và đẹp. Do đó, khách lặn chuyên nghiệp hoặc có thời gian tập luyện vẫn rất thích thú khám phá khu vực biển Hòn Mun” – ông Tuấn cho biết.

Du khách đi tour lặn biển tại các khu vực được phép trong vịnh Nha Trang. Ảnh: Trung Vũ.
Du khách đi tour lặn biển tại các khu vực được phép trong vịnh Nha Trang. Ảnh: Trung Vũ.

Theo ông Tuấn, tình trạng tàu cá vào khu vực Hòn Mun khai thác làm hư hại san hô đã giảm hẳn vì mức phạt cao và có đội bảo vệ của Ban quản lý (BQL) vịnh Nha Trang.

“Nếu là ban ngày, các đơn vị tổ chức tour lặn biển khi thấy tàu cá vào khu vực Hòn Mun là báo ngay với BQL vịnh Nha Trang vì anh em làm nghề rất ý thức bảo vệ các rạn san hô. Có thể thấy, sau bão Damrey tháng 11/2017 và bão số 9 năm 2021, nhiều rạn ran hô trong vịnh Nha Trang đã bị hư hại nặng, nhiều khu mất trắng. Đây là thiệt hại rất lớn đến thiên nhiên và ngành du lịch” – ông Tuấn chia sẻ.

Thiên tai và nhân tai

Liên quan đến tình trạng các rạn san hô tại khu vực bảo tồn biển bị hư hại, trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, ông Huỳnh Bình Thái – Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, sự suy thoái rạn san hô là kết quả bởi nhiều yếu tố tác động. Trong đó, các yếu tố như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe hệ sinh thái.

Tuy nhiên, các yếu tố trên lại mang tính khách quan, toàn cầu, rất khó kiểm soát, điều chỉnh. Theo các nhà khoa học của Viện Hải Dương học Nha Trang,a có nhiều nguyên nhân gây suy giảm độ phủ và diện tích rạn san hô vịnh Nha Trang.

Bão Damrey năm 2017 và bão số 9 năm 2021 đã làm suy giảm nhiều rạn san hô trong khu vực vịnh Nha Trang. Ảnh: Đ.Đ
Bão Damrey năm 2017 và bão số 9 năm 2021 đã làm suy giảm nhiều rạn san hô trong khu vực vịnh Nha Trang. Ảnh: Đ.Đ

Cụ thể, một số khu vực có rạn san hô phong phú và đa dạng như: Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và Đông bắc Hòn Tre hệ sinh thái san hô bị thiệt hại nặng nề đến 70-80% sau cơn bão số 12 Damrey tháng 11/2017 (Hòn Tằm độ phủ san hô cứng suy giảm đột ngột vào tháng 7 năm 2017 từ 56,8% xuống còn 12,5% vào tháng 12 năm 2017 độ phủ giảm gần 80%, khu vực Bãi Sạn độ phủ giảm trên 70%).

Năm 2019 san hô bị tẩy trắng một số khu vực trên vịnh do nhiệt độ nước biển tăng. Sau cơn bão Damrey, các rạn san hô đã có dấu hiệu hồi trở lại, tuy nhiên, đến cuối năm 2021, khu vực trên tiếp tục bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 làm gẫy đổ và bị sóng đánh lên bờ tới 70% diện tích phân bố rạn san hô ở Tây Nam Hòn Mun và phía Nam Hòn Tằm.

“Tốc độ phát triển của san hô tùy thuộc vào từng loài và điều kiện nhiệt độ, độ trong và thức ăn của san hô. Đối với san hô dạng cành, gạc nai mỗi năm tăng từ 0,5 đến 2,5cm; đối với san hô dạng khối phát triển rất chậm, chỉ khoảng 0,5 đến 1cm mỗi năm; loại nhanh nhất cũng chỉ 5-10cm/năm. Hiện nay, hệ sinh thái rạn san hô tại Hòn Mun vẫn đang diễn ra quá trình phục hồi sau bão” – ông Thái thông tin.

Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết thêm, trong vài thập niên gần đây, khí hậu trái đất nóng lên, nhiệt độ nước biển tăng nên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô (coral bleaching) đã gây những tác động nghiêm trọng với hệ sinh thái rạn san hô trên toàn thế giới. Đối với vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy,  tỷ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%.

Còn theo ông Đàm Hải Vân - Phó trưởng BQL vịnh Nha Trang - phụ trách công tác bảo tồn, BQL vịnh Nha Trang cương quyết xử lý triệt để tất cả các hành vi không được phép thực hiện trong Khu bảo tồn biển; tuyệt đối không có chủ trương bao che, nể nang; bất cứ cá nhân, tập thể nào sai phạm đều phải xử lý theo quy định.

Các phương tiện khai thác trái phép bị BQL vịnh Nha Trang bắt giữ và tiến hành xử phạt. Ảnh: BQL vịnh Nha Trang.
Các phương tiện khai thác trái phép bị BQL vịnh Nha Trang bắt giữ và tiến hành xử phạt. Ảnh: BQL vịnh Nha Trang.

Về công tác tuần tra, xử lý vi phạm, ông Vân cho biết, BQL vịnh Nha Trang đã thành lập Đội tuần tra từ năm 2012. Đội gồm nhân sự 15 người được chia làm 2 ca (3 ngày đêm/ca), cùng 1 tàu 225CV. 

Đội tuần tra còn có sự tham gia của cộng đồng tổ chức tuần tra, bảo vệ gìn giữ các hệ sinh thái trong khu bảo tồn biển ngày đêm, kể cả những ngày lễ, tết. Đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên, môi trường biển vịnh Nha Trang.

Tuy nhiên, theo ông Vân,  vẫn còn một số đối tượng lợi dụng đêm khuya, địa bàn rộng lén lút đánh bắt thủy sản trong vùng cấm, đối tượng vi phạm chủ yếu là câu, lặn đêm đơn lẻ.

Hòn Mun vẫn là điểm đến lặn biển được du khách trong và ngoài nước lựa chọn khi đến Nha Trang - Khánh Hòa. Ảnh: H. Tuấn.
Hòn Mun vẫn là điểm đến lặn biển được du khách trong và ngoài nước lựa chọn khi đến Nha Trang - Khánh Hòa. Ảnh: H. Tuấn.

“Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, BQL đã ngăn chặn khoảng 49 trường hợp khai thác trái phép, trong đó 38 trường hợp câu dắt mực, 7 lặn đêm, 2 trú bao đêm, 2 giã cào; lập 4 biên bản sự việc gửi đến UBND phường Vĩnh Nguyên theo dõi, nhắc nhở, giáo dục đối với người vi phạm” – ông Vân thông tin.

Cũng theo ông Vân, đợn vị thưởng xuyên tuyên truyền cho cộng đồng dân cư, các công ty du lịch về công tác bảo vệ môi trường. Cùng với đó là hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề đối với một số hộ dân trong khu bảo tồn cũng như đẩy mạnh công tác quản lý trên vịnh Nha Trang. Qua đó, các rạn san hô trong khu vực bảo tồn biển Hòn Mun đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, dưới tác động của thiên tai, các rạn san hô vẫn đang chịu tác động mạnh làm suy yếu hệ sinh thái.