Trải nghiệm đặc biệt
“Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu bia trong điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam” gồm các bài học trực tuyến, hướng tới việc nâng cao nhận thức và kiến thức của công chúng về những rủi ro của việc lái xe khi đã uống rượu bia.
Nội dung đào tạo đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh, quy định pháp luật, cũng như văn hóa Việt Nam. Học viên được cung cấp kiến thức cơ bản về các số liệu, thống kê liên quan đến tai nạn giao thông; các quy định pháp lý và trách nhiệm cá nhân người điều khiển phương tiện khi đã sử dụng đồ uống có cồn…
Với thời lượng gói gọn trong 60 phút, người học còn được thực hành sử dụng kính ảo với video 360 độ để trải nghiệm về tác động của rượu bia đối với hiệu năng lái xe thông qua việc cài đặt vào điện thoại thông minh, hoặc sử dụng trên máy tính.
Tất cả học viên đều được thực hiện bài kiểm tra trước và sau khóa học để đánh giá hiệu quả của công tác đào tạo. Sau khi hoàn thành đào tạo, học viên sẽ được cấp chứng chỉ tham gia chương trình của Viện Nghiên cứu và Đào tạo của Liên hiệp quốc.
TS Nguyễn Xuân Tùng - Phó trưởng Phòng Công tác chính trị và sinh viên (Đại học GTVT) cho biết, mục tiêu tổng thể của chương trình đào tạo này nhằm góp phần thúc đẩy đến năm 2030, giảm một nửa số ca thương tích và tử vong do giao thông đường bộ liên quan đến người lái xe sử dụng rượu bia. Chương trình hướng đến đối tượng trực tiếp là học sinh, sinh viên, đào tạo thí điểm tại 3 tỉnh, TP lớn là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với đối tượng trực tiếp là học sinh, sinh viên.
Bạn Nguyễn Đức Hiển, sinh viên khoa Cơ khí (Đại học GTVT) chia sẻ: “Trải nghiệm kính thực tế ảo với hình ảnh 360 độ với vai trò là người lái xe có nồng độ cồn trong người tăng dần và các tình huống có thể gặp phải khiến mình vô cùng ấn tượng. Mình rất bất ngờ với những hình ảnh được thấy và chắc chắn sẽ không bao giờ lái xe khi đã sử dụng rượu bia”.
Dưới sự hướng dẫn của 5 giảng viên chính đã được huấn luyện và chuyển giao kiến thức, các nội dung liên quan đến chủ đề an toàn giao thông và sử dụng đồ uống có cồn được truyền tải một cách gần gũi và dễ tiếp cận với người trẻ. Với những tình huống, những hoạt động mới mẻ các bạn sinh viên được tham gia thì chương trình có thể lan toả rộng hơn, đến gần hơn với người trẻ.
Cần nhân rộng mô hình đào tạo
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và đào tạo của Liên hiệp quốc, Việt Nam có hơn 95 triệu người, 4 triệu xe ô tô và 64 triệu xe máy đã được đăng ký. Quá trình đô thị hóa và cơ giới hóa diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam và vượt xa những thay đổi về cơ sở hạ tầng.
Mỗi năm ước tính Việt Nam có hơn 24.900 người tử vong do va chạm giao thông đường bộ, khoảng 499.400 ca thương tích trầm trọng, dẫn đến thiệt hại khoảng 3 tỷ đô la. Những con số biết nói đã phản ánh thực trạng đáng báo động về tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.
Phổ biến nhận thức về ATGT ngay từ trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ người trẻ trước hiểm họa khôn lường của tai nạn giao thông. Bởi một trong những nguyên nhân chính xảy ra tai nạn giao thông ở học sinh, sinh viên là do thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT còn chưa cao.
Đánh giá “Chương trình đào tạo về tác hại của việc sử dụng rượu bia trong điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam”, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho rằng, đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông nói chung và số vụ tai nạn do rượu bia nói riêng.
“Một số bạn trẻ hiện nay không ngại sử dụng đồ uống có cồn, sau khi uống lại tự điều khiển phương tiện giao thông. Sử dụng kính thực tế ảo để họ tận thấy tác động của nồng độ cồn trong máu ở nhiều mức độ khác nhau lên hệ thần kinh, gây mất kiểm soát tay lái là bài học trực quan, sinh động nhất” - ông Vũ Tuấn Linh nói.
Các chuyên gia nhận định rằng, sử dụng kính thực tế ảo để trải nghiệm về lái xe khi đã uống rượu bia sẽ tác động mạnh vào thị giác của người trải nghiệm; qua đó khiến họ hiểu rõ nguy cơ mất ATGT khi đã uống còn điều khiển xe. Mô hình giáo dục, đào tạo kiến thức về ATGT này rất hiện đại và hiệu quả.
Tuy nhiên, với giá thành tương đối cao của kính thực tế ảo, không phải tất cả các bạn học sinh, sinh viên đều có cơ hội trải nghiệm công nghệ này, do vậy, phạm vi tiếp cận của chương trình còn hạn chế.
Nếu có thể kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức giáo dục, DN... cả trong và ngoài nước, việc truyền tải kiến thức về ATGT qua các công cụ công nghệ hiện đại sẽ phổ cập hơn, mang lại hiệu quả sâu rộng hơn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, một nguồn lực sẵn có mà các cơ quan chức năng, các đơn vị có thể tận dụng để tiếp cận gần hơn với người trẻ chính là thông qua các trang mạng xã hội.
Phát huy thế mạnh của mạng xã hội, cập nhật thông tin, hình ảnh về tai nạn giao thông; xây dựng kế hoạch tuyên truyền về ATGT... trên mạng xã hội sẽ gần gũi với giới trẻ và đem đến hiệu quả tốt hơn rất nhiều.