Vừa trở thành Thủ tướng Nhật Bản - vị thủ tướng thứ 6 trong vòng 5 năm qua - ông Yoshihiko Noda đã phải đối mặt với hàng loạt những thách thức, từ việc tái thiết đất nước bị tàn phá bởi thảm họa động đất, sóng thần khủng khiếp, kéo theo đó là khủng hoảng hạt nhân tới việc hồi sinh nền kinh tế ốm yếu cũng như kiểm soát khoản nợ công đang phình to.
Trước muôn vàn khó khăn này, người ta đang chờ xem ông sẽ chèo lái nền kinh tế "xứ Anh Đào" thoát khỏi "vùng xoáy" ra sao.
Thách thức thứ nhất mà ông Noda phải đối mặt là “quả bóng nợ” đang phình to của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Ngày 24/8, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s lần đầu tiên trong vòng chín năm qua đã hạ mức xếp hạng nợ công của Nhật Bản một bậc, từ Aa2 xuống Aa3, với lý do là việc nước này liên tục thay đổi nhà lãnh đạo đã làm ảnh hưởng tới các chiến lược kinh tế hiệu quả để giải quyết vấn đề nợ công hiện đang ở mức gấp đôi giá trị nền kinh tế 5.000 tỷ USD này, tỷ lệ cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Thách thức thứ hai là về chính sách tiền tệ. Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ thông qua nghiệp vụ bán đồng yen, mua USD và nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách đẩy mạnh chương trình mua tài sản của Ngân hàng Trung ương (BoJ) hôm 4/8, song các biện pháp này có ảnh hưởng rất hạn chế tới việc ngăn chặn đồng yên tăng giá.
BoJ đang cân nhắc khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trước cuộc họp bàn chính sách vào ngày 6-7/9, trong trường hợp đồng yen tăng giá mạnh ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán Tokyo và tâm lý các nhà đầu tư. Nếu BoJ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, rất có khả năng ngân hàng này sẽ lựa chọn giải pháp mở rộng nguồn ngân quỹ 50.000 tỷ yen (656 tỷ USD) hiện nay để mua các tài sản cá nhân và chính phủ.
Thứ ba, một thách thức không thể không nhắc tới đó là vấn đề năng lượng. Ông Noda không tán thành quan điểm của Thủ tướng tiền nhiệm Naoto Kan về một xã hội phi điện hạt nhân khi cho rằng niềm tin vào điện hạt nhân cần phải được khôi phục. Ông muốn đảm bảo ổn định việc cung cấp điện bằng cách khởi động lại các lò phản ứng đã bị ngừng hoạt động sau khi chúng được xác nhận là an toàn.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các quan chức và người dân địa phương có đồng tình với quan điểm này của ông hay không, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề sau thảm họa rò rỉ phóng xạ do trận siêu động đất và sóng thần.
Vào lúc Mỹ và châu Âu đang lận đận trong cảnh nợ công chồng chất, một tín hiệu đáng mừng đã lóe lên từ phương Đông. Nhật Bản, cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, đang có một số dấu hiệu hồi phục, không đầy nửa năm sau trận thiên tai kinh hoàng. Nền kinh tế của "xứ sở hoa Anh Đào" trong quý 2 vẫn suy giảm 0,3%, nhưng đây là con số thấp hơn đáng kể so với mức giảm 0,9% trong quý 1.
Sức đề kháng của kinh tế Nhật Bản đã khiến giới quan sát bất ngờ, vì trước đó các nhà kinh tế dự báo mức giảm trong quý 2 sẽ phải là 0,7%, do tác hại của động đất và sóng thần. Tính trên cơ sở hàng năm, mức suy giảm của kinh tế Nhật Bản trong quý 2 chỉ là 1,3%, thay vì 2,6% như dự kiến.
Về tiêu dùng nội địa, một động lực của tăng trưởng kinh tế, trong khi người ta lo ngại người Nhật sẽ không còn hứng thú với tiêu dùng, khiến nền kinh tế lún sâu thêm vào suy thoái, thì trên thực tế lại không đáng bi quan như vậy. Mức tiêu thụ tuy có sụt giảm, nhưng chỉ giảm 0,1% trong quý 2, so với mức giảm 0,6% trong quý 1 và 0,5% như giới chuyên gia dự đoán.
Sự cải thiện này là đặc biệt đáng mừng khi giảm phát là căn bệnh kinh niên ở Nhật Bản, với chỉ số giá tiêu dùng trong quý 2 giảm hơn 2% và chỉ số này đã giảm tháng thứ 28 liên tiếp. Điều đó cho thấy người Nhật bắt đầu bình tâm và tiêu thụ trở lại sau thảm họa.
Theo các chuyên gia, hoạt động kinh tế Nhật Bản đang trỗi dậy vào những tháng Hè này và đến khoảng tháng 9, tháng 10/2011, người ta sẽ thấy rõ hơn sự phục hồi của đất nước hầu như bị tê liệt do hậu quả của thiên tai.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng tương đối cao trong nửa cuối tài khóa này. Một số chuyên gia còn lạc quan hơn nữa khi cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ trỗi dậy trong quý 3, với mức tăng trưởng cao nhất trong các quốc gia phát triển, khi sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trở lại mức trước khi xảy ra động đất-sóng thần hôm 11/3.
Ông Noda có thể sẽ tiếp tục ưu tiên khôi phục nền tảng tài chính, thúc đẩy nền kinh tế đất nước.
Ông ủng hộ kế hoạch tăng gấp đôi thuế tiêu dùng từ 5% lên 10% từ nay đến năm 2015 nhằm trang trải chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng lên do dân số già hóa. Ông cũng đang tìm kiếm sự đồng thuận chính trị trong việc tạm thời tăng thuế để hỗ trợ công cuộc tái thiết đất nước.
Giới chuyên gia nhận định việc tăng thuế vào thời điểm hiện nay có thể làm tăng thêm sự lo ngại đối với các doanh nghiệp và sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế của đất nước, khiến ông Noda có thể sẽ phải chịu sức ép trong việc điều hành nền kinh tế.
Ngoài ra, điều ông Noda phải đặc biệt quan tâm là sự tăng giá của đồng yên so với đồng USD và các đồng tiền mạnh khác, đe dọa sự hồi phục của các doanh nghiệp sau động đất, đặc biệt là các nhà xuất khẩu.
Khi còn là Bộ trưởng Tài chính, ông Noda đã cam kết hành động, kể cả việc can thiệp vào thị trường, để ngăn chặn sự tăng giá quá mức của đồng yen và có thể vẫn sẽ giữ nguyên quan điểm đó.
Trong cuộc họp ngày 4/9, các bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế trong nội các mới đã nhất trí thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đối phó với ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng đồng yen tăng giá đối với nền kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau lễ nhậm chức, ông Noda tuyên bố công tác tái thiết đất nước và đẩy lùi khủng hoảng hạt nhân là những ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới. Ông cam kết tăng cường các nỗ lực nhằm ổn định các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima và làm sạch các khu vực bị nhiễm phóng xạ. Ông khẳng định không phục hồi được nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thì sẽ không có một nước Nhật hồi sinh./.