Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tản văn: Sông hiền

Hạnh Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lúc ấy đã hơn 6 giờ tối, thực ra nên gọi là hơn 6 giờ chiều thì đúng hơn, vì trời hãy còn sáng và mặt trời xem ra hãy còn nhẩn nhơ lắm.

Từ trên cao, cái quầng sáng đỏ ối như muốn từ chối hoàng hôn trong một ngày gần như là đỉnh nóng của Hà Nội. Nhưng mà lúc ấy nhìn sông thật khác với những gam màu rực rỡ, trông như một ảnh ảo có thật.
Nhìn ngang sông Hồng lúc xe lướt qua, tôi đã hỏi về việc có lúc nào như thế này không, khi sông đã thu mình về yên ả. Bạn chỉ đơn giản nói rằng, có thể chỉ còn mùa cạn nước, chứ sông Hồng làm gì có lũ nữa với bao nhiêu là thủy điện ở phía đầu nguồn. Lúc ấy cũng chỉ loay hoay nghĩ về sự loại trừ và bao nhiêu khắc chế khác, trong một ý nghĩ rất ư là thế sự, với sự cộng góp của những điều mình đọc được, thu nhận được. Lúc ấy, cũng chẳng thấy lòng mình cợn lên điều gì, khi mọi điều chừng như đã cũ, người ta nói hoài, và có thể xảy ra điều gì khác nữa đâu!
Nhưng khi rời chiếc bàn nhỏ trong mái che xấp xoãi của ngôi nhà cổ để chạy ra phía bờ sông, tôi đã thấy hình như, trong thoáng chốc, chút phong vị của sông Hương. Đó là lúc sông Hồng trông hiền giữa đôi bờ cỏ xanh. Những lời sóng như náu mình trong xanh sâu, để dòng nước ôn hòa như một nhà hiền triết, mà cũng có thể là sự tỏ bày điềm tĩnh sau bao nhiêu là bung vỡ và khát khao. Có một Hà Nội khác ở phía này khi tôi ghé qua. Một Hà Nội chừng mực, ôn hòa và nhẹ nhõm khi mọi người còn tìm cách tránh nóng ở tận đâu trong những ngõ phố đông đặc hàng quán, trong những bóng xanh mệt rũ trên đường, khi hàng triệu cục nóng đang phả hơi vào không gian và sự chói chang của không thể biết là bao nhiêu nữa những thùng chứa nước chòi lên trên các mái phố.

Lúc đứng bên mé sông, mắt dịu lại quá chừng trước nước mềm và xanh cỏ. Không thấy cây ở phía bên kia bờ. Cũng có thể vì những rờ rỡ của nắng chiều đã thu chúng lại ở gam màu khác, mà cũng có thể vì đôi kính cận không thả cái nhìn xa hơn. Tôi cũng lại muốn tin, những dịu dàng đã hóa giải một chiều nắng quái, làm mọi thứ gần lại và đầy lên trong mắt mình mất rồi.

Cũng có thể vì những điều đó, nên dẫu đã cố tìm, tôi vẫn chẳng thể nào thấy được vệt xanh của bãi dâu chiều khuất xa trong câu hát thao thiết “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” của Đức Chính. Chỉ còn một con thuyền trong khoảnh khắc được Người gói lại trong khuôn hình. Nên mãi đến bây giờ, “phía sông Hồng những cánh buồm/những cánh buồm nâu/những con thuyền dắt nhau về đâu...” vẫn cứ còn là câu hỏi lênh đênh trong một chiều đến nắng cũng dùng dằng.

Vẫn nhớ trong góc nhỏ phía sông Hồng, những bông sen sẫm tím trong bình nâu cũ và hương thầm đến nỗi chừng như khi nín thở mới nghe được mùi hương se sẽ. Phía sau nữa có một ngôi nhà rường Huế trong bộ sưu tập nhà phía sau lũy tre xanh không mấy nhiều nhặn. Ngôi nhà rường lặng lẽ, như cách mà một người Huế là tôi lúc ấy cũng yên lặng cất nép những thương nhớ.

Chả biết có phải là ngẫu hứng không, nhưng khi chọn phía sông Hồng để mang tôi đến, chừng như bạn cũng muốn tôi được thở nhẹ, và bình yên. Không có tuổi thơ nơi này, nhưng Hà Nội chắc chắn là một dấu ấn khác, với yêu thương để lại và cất đi. Như cách mà sông, bằng cách nào đó và vì cách nào đó, đã tự mình hóa giải mọi thứ rồi làm như bình thản xuôi dòng.

Khi chạy về phía sông Hồng, tôi đã không biết là mình có một chiều thương lắm như thế...