Tăng biện pháp giảm nhập siêu từ Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Các giải pháp nhằm giảm phụ thuộc của doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào một thị...

Kinhtedothi - "Các giải pháp nhằm giảm phụ thuộc của doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào một thị trường nhất định trong đó có Trung Quốc, không phải đến khi có những biến động trên Biển Đông mới được chú ý, mà vấn đề này đã được chúng tôi quan tâm từ lâu và sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới" - lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5 do Bộ này tổ chức chiều 2/6 tại Hà Nội.

 Tạo “cú hích” giảm nhập siêu

Trước căng thẳng trên Biển Đông những ngày qua, dư luận đang rất quan tâm đến bài toán làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng cho 5 - 6 mặt hàng xuất khẩu (XK) thế mạnh của Việt Nam, như nông sản chế biến, thủy sản, điều, cao su, hoa quả..., dù kim ngạch XK chưa lớn. Đồng thời, nền kinh tế cũng  đang bị phụ thuộc lớn về nhập khẩu (NK) từ thị trường này, nhất là về nguyên phụ liệu cho sản xuất dệt may, da giày, hay thức ăn gia súc… "Việc làm thế nào để giảm nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, hay tìm đầu ra vững chắc linh hoạt cho ngành nông sản đã được Bộ Công Thương đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề trên Biển Đông lần này có lẽ mới thực sự là "cú hích" để Việt Nam kêu gọi mọi người, từ cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước đến người dân quan tâm hơn nữa" - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Trong ảnh: Mua hàng may mặc Việt Nam tại Siêu thị Hapro Gia Lâm.           Ảnh: Trần Việt
Trong ảnh: Mua hàng may mặc Việt Nam tại Siêu thị Hapro Gia Lâm. Ảnh: Trần Việt
Để giải quyết tình trạng giảm nhập siêu, thời gian qua Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là tăng XK và giảm NK. Trên thực tế, kim ngạch XK 4 tháng đầu năm nay sang Trung Quốc đã tăng mạnh. Trong bối cảnh nhiều mặt hàng của Việt Nam bị Trung Quốc cạnh tranh gay gắt nhất là về giá, việc tăng XK sang thị trường này là cách tốt nhất. Ngoài ra, các biện pháp tăng năng lực sản xuất trong nước đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam giảm được NK từ Trung Quốc, điển hình như hàng dệt may thành phẩm. Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng là một biện pháp rất quan trọng. Nếu hơn 90 triệu dân đều ưu tiên điều này thì sẽ góp phần giảm kim ngạch NK rất lớn. Khi đó, chắc chắn con cá hay hoa quả, quần áo "made in Việt Nam" sẽ được tiêu thụ hơn rất nhiều. Các cơ quan truyền thông nên đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thấy được điều này" - ông Hải nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, DN cũng như người dân không tránh khỏi ảnh hưởng về mặt tâm lý, song tình hình kinh doanh của Việt Nam với Trung Quốc đến thời điểm này vẫn diễn ra bình thường. Tình hình hoạt động tại các cửa khẩu, kể từ đường chính ngạch đến tiểu ngạch đều không có gì biến động, đảm bảo hai bên cùng có lợi. Và chắc chắn, quan hệ giao thương giữa hai nước sẽ tiếp tục theo đà như hiện nay. Do đó, không nên có những suy nghĩ, hành động khiến những điều đang bình thường trở nên bất bình thường. Điều quan trọng cần làm hiện nay là giảm nhập siêu, hỗ trợ DN tiêu thụ nông sản... DN cần là cầu nối hiệu quả hơn giữa nông dân và thị trường, còn cơ quan quản lý là Bộ NN&PTNT  cũng cần định hướng cho bà con về cây, con, giống... "Về phía Bộ Công Thương đang tích cực đàm phán về 6 hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, hứa hẹn nhiều triển vọng. Đồng thời, chúng tôi cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin cho DN về sản phẩm, định hướng về giao thương với nước ngoài, đa dạng hóa các thị trường XK và kể cả NK. Biến động là điều không mong muốn nhưng chúng ta cần chủ động trong mọi tình huống" - ông Hải chia sẻ.

Không để thiếu điện

Trước câu hỏi xung quanh quyết định mới đây về giá điện, ông Đinh Thế Phúc - Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Thông tư mới đây của Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 28/TTg ngày 7/4/2014 nhằm quy định về thực hiện giá bán điện. Vì vậy, quyết định này không phải tăng giá điện mà chỉ là tăng giá điện cho sản xuất trong một số giờ thấp điểm, còn các đối tượng sản xuất trong giờ bình thường vẫn theo giá cũ, giảm giá điện cho kinh doanh và sinh hoạt. Đáng chú ý, giá điện cho khu vực biển đảo từ ngày 1/6 được áp dụng như với đất liền. Như vậy, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, giá điện nói chung không điều chỉnh nên sẽ không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, Tổng cục Năng lượng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có các buổi làm việc với một số nhà thầu về các dự án điện trong nước nhằm đảm bảo hệ thống điện ổn định trong năm 2014. Bộ Công Thương cũng đã cam kết trước Quốc hội sẽ không để xảy ra thiếu điện trong năm nay, mà trước mắt là sẽ đảm bảo đủ điện trong mùa nắng nóng, các đợt thi cử đang diễn ra.

Liên quan đến vấn đề về giá xăng dầu, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và các ngành liên quan, lấy ý kiến người dân… để sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 84/CP về quản lý kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ. Nghị định mới dù thế nào thì cũng phải tạo điều kiện tối ưu để nhiều người tham gia định giá xăng dầu, đều phải hướng đến phục vụ tốt nhất quyền lợi của người dân và DN, cũng như cơ chế đưa ra đảm bảo đủ để xã hội giám sát, sao cho ai làm sai đều bị xử lý theo pháp luật.q Nếu người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam sẽ góp phần giảm nhập siêu.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần