Tăng cơ chế đặt hàng trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị “Ứng dụng tiến bộ khoa...

Kinhtedothi - Đó là nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân” do Sở KH&CN tổ chức ngày 19/7 tại huyện Đan Phượng.

Tới dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.

Đánh giá của Sở KH&CN cho thấy, trong giai đoạn 2011 – 2015, các nghiên cứu KHCN tập trung giải quyết các nhiệm vụ bức thiết của thực tiễn sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn và ATTP. Trong đó, duy trì và phát triển các giống lúa có chất lượng, khả năng chịu hạn và sâu bệnh. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đã xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn, gà, bò thịt chất lượng, hiệu quả và an toàn dịch bệnh. Về thủy sản đã nghiên cứu nuôi thử nghiệm thành công một số giống thủy sản có giá trị kinh tế phù hợp với Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Quang Thiện
Tuy nhiên Giám đốc Sở KH&CN Lê Xuân Rao cùng nhiều đại diện các huyện, thị xã, DN đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đó là một số sở ngành, quận, huyện, thị xã chưa chủ động đề xuất đặt hàng các vấn đề thực tiễn cần KHCN giải quyết nên số lượng đặt hàng còn ít. Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu còn hạn chế, chưa đồng bộ. Đội ngũ quản lý hoạt động KHCN vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng và kinh nghiệm công tác.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, những kết quả về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Thủ đô có sự đóng góp không nhỏ của KHCN. Với diện tích rộng, dân số đông, Hà Nội còn 3,7 triệu dân sản xuất nông nghiệp với 60% dân số nông thôn. Do đó, phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân là một trong những trọng điểm chỉ đạo của Thành ủy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đặt vấn đề, hiện nay các nhà khoa học rất tâm huyết, trách nhiệm, DN cũng tâm huyết đầu tư vào cải thiện môi trường làng nghề hay cung ứng thực phẩm sạch, còn nông dân lúc nào cũng đau đáu về sản xuất chất lượng cao, ATTP. Qua đây cho thấy liên kết “4 nhà” trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KHCN còn lỏng lẻo, chưa có cơ quan đầu mối.

Bởi vậy, để phát huy tiềm năng lợi thế đất đai, lao động, đưa nông nghiệp, nông thôn Thủ đô phát triển bền vững, thời gian tới, UBND TP Hà Nội chủ trì duy trì đều đặn gắn kết “4 nhà”, định kỳ ít nhất 1 năm hai lần. Trong đó đề ra mục tiêu cụ thể, có sản phẩm cụ thể thiết thực cho nông dân, tăng đầu tư cho KHCN.

TP Hà Nội luôn bố trí đủ ngân sách cho KHCN, do đó cố gắng kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy chiếm 30% trong tổng chi cho nghiên cứu KHCN.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các sở, ban, ngành ngành từ TP đến quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng KHCN nói chung, trong đó có nông nghiệp, nông thôn.

Sở KHCN làm đầu mối tham mưu TP liên kết “4 nhà”, phát triển công nghệ cao tạo ra sản phẩm có giá trị cao trong trồng trọt, chăn nuôi, liên kết hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng KHCN theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, nâng thu nhập bình quân đầu người của nông dân đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, không ngừng nghiên cứu đổi mới cách thức quản lý điều hành. Đề nghị Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Hà Nội gắn nghiên cứu với ứng dụng, nhất là những vấn đề bức xúc của TP Hà Nội như môi trường, ưu tiên tạo ra giống vật nuôi, cây trồng có giá trị cao cho nông dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị rà soát cơ chế chính sách, thu hút DN, nhà khoa học tham gia nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhất là phục vụ chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân.