Tăng cường an toàn dữ liệu lĩnh vực tài chính- ngân hàng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chuyển đổi số càng sâu, lượng dữ liệu càng lớn, yêu cầu xử lý càng cao rủi ro an toàn dữ liệu càng lớn. Trong bối cảnh này, an toàn dữ liệu, nhất là an toàn dữ liệu lĩnh vực tài chính- ngân hàng ngày càng trở nên cấp thiết.

Thiệt hại do vi phạm dữ liệu ngày càng tăng

Tại Hội thảo “Dịch vụ tài chính- ngân hàng 2023” do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam dưới sự bảo trợ của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) và các cơ quan liên quan tổ chức, các đại biểu cho biết, dữ liệu là cốt lõi của chuyển đổi số. Rất khó để một tổ chức có thể chuyển đổi số thành công mà không quan tâm đến dữ liệu. Rất nhiều hoạt động của các đơn vị tài chính ngân hàng phụ thuộc và dữ liệu cá nhân hoặc dữ liệu riêng của tổ chức như mở tài khoản, xác thực giao dịch khác hàng, phân tích rủi ro chúng câp dịch vụ tài chính.

Các đại biểu cho rằng, dữ liệu là cốt lõi của chuyển đổi số
Các đại biểu cho rằng, dữ liệu là cốt lõi của chuyển đổi số

Theo tham luận của của TS Nguyễn Trọng Đường- Bộ Thông tin và Truyền thông, các vụ làm lộ, lọt dữ liệu cá nhân cũng đã khiến thiệt hại do vi phạm dữ liệu rất lớn và ngày càng tăng. Trung bình trên thế giới, chi phí để xử lý một sự cố vi phạm dữ liệu từ 3,5 - 4 triệu USD. Tại Việt Nam, chưa có thống kê về chi phí trung bình để xử lý một sự cố vi phạm dữ liệu, nhưng chắc chắn không nhỏ.

Các vi phạm dữ liệu cá nhân trong tài chính ngân hàng thường là: tiết lộ thông tin cá nhân (cố ý phát tán hoặc chia se thông tin cả nhân với bên thứ ba mà không có sự đồng ý của khách hàng, vô tình để lộ thông tin cá nhân do thiếu tuận thủ quy định); Mất mát hoặc rò rỉ dữ liệu cá nhân do tấn công mạng, tin tặc, sử dụng thiết bị lưu trữ không đảm bảo an toàn; Sử dụng thông tin cá nhân cho mục đích không được khách hàng cho phép hoặc không tuân Sử dụng sai mục đích …

Đại diện HDBank trình bày tham luận tại Hội thảo
Đại diện HDBank trình bày tham luận tại Hội thảo

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng, các vụ lộ lọt dữ liệu ngày càng lớn. Vài năm trước, nghi vấn lộ 2 triệu khách hàng của một ngân hàng bị lộ thông tin khiến dư luận xôn xao. Vậy, làm gì để bảo về an toàn dữ liệu?

Theo TS Nguyễn Trọng Đường, các tổ chức tài chính- ngân hàng, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu phải đào tạo và nâng cao nhận thức cho nhân viên khách hàng. Đầu tư các giải pháp an toàn hệ thống và bảo vệ dữ liệu. Đánh giá, quản trị rủi ro và sẵn sàng ứng phó.

Ngoài ra, khung đảm bảo an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cần phải chú trọng, hài hòa ba yếu tố trọng tâm: Quy trình, Công nghệ và Con người. Hiện giờ, điểm yếu nhất trong bảo vệ dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin vẫn chính là con người.

Xu hướng công nghệ mới trong chuyển đổi số tài chính- ngân hàng

Cũng tại Hội thảo “Dịch vụ tài chính- ngân hàng 2023”, các đại biểu đồng ý rằng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số, đồng thời quan tâm đến vấn đề an toàn dữ liệu. Xác định được mấu chốt cũng như triển vọng của vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng hiện nay, sự kiện đã tập trung cung cấp những giá trị thiết thực nhất về cơ hội, những thách thức làm ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và xu hướng thay đổi công nghệ mới, mô hình thương mại mới thích nghi với sự thay đổi của người tiêu dùng.

 Với chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng và Fintech- dữ liệu cá nhân”, các ý kiến đã bao quát được bức tranh toàn cảnh của ngành cũng như những nỗ lực phát triển, đẩy mạnh xây dựng dữ liệu cá nhân, quản trị dịch vụ công và tài chính – ngân hàng thông qua các giải pháp công nghệ nổi bật của thời đại mới.

Theo báo cáo về thực trạng thị trường dịch vụ Tài chính – Ngân hàng Việt Nam năm 2022 của TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và một số nước có thể rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn và so với mức nền cao của năm 2022, dự báo GDP Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6-6,5%. Thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển tương đối đầy đủ với 3 khu vực chính là ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Quy mô thị trường tài chính Việt Nam tính theo thông lệ quốc tế đến hết tháng 9/2022 tương đương khoảng 295% GDP năm 2022; trong đó, hệ thống ngân hàng (tính bằng tổng tài sản các tổ chức tín dụng ngân hàng và phi ngân hàng) giữ vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 64,7% quy mô tài sản hệ thống tài chính. Vốn hóa thị trường cổ phiếu, sau thời gian điều chỉnh, đã giảm xuống 22,1% so với mức 28,5% của năm 2021; dư nợ thị trường trái phiếu chiếm 12,5% và doanh thu phí bảo hiểm chiếm 0,7% quy mô hệ thống tài chính Việt Nam (thông tin từ VIDI – Cổng thông tin điện tử - Viện phát triển bảo hiểm Việt Nam).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính xác định phải đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số. Qua đó, tổ chức có thể giảm chi phí vận hành, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.