Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường chất lượng thông tin đối ngoại về nhân quyền

Ngân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 7-8/12, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người cho cán bộ thông tin truyền thông đến từ 26 tỉnh thành phía Bắc và đại diện các cơ quan báo chí.

Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người được tổ chức vào một thời điểm rất có ý nghĩa, khi toàn cầu đang diễn ra rất nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2023).

Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại – Bộ Thông tin Truyền thông Phạm Anh Tuấn, nhấn mạnh Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người và qua đó, từng bước xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở bình diện toàn cầu. “Một ví dụ rõ ràng nhất cho những thành tựu trên là việc Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao và đang có nhiều đóng góp với tư cách Thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.”

Cục trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng Hội nghị được tổ chức trong thời điểm đan xen nhiều thuận lợi và cả thách thức, khó khăn cho công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) và công tác nhân quyền. Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới là văn bản hết sức quan trọng, mang tính chỉ hướng cho công tác TTĐN đối ngoại nói chung, TTĐN về quyền con người nói riêng trong thời gian tới.

“Đất nước ta đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vững vàng vượt qua các khó khăn, thách thức phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.Thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy quyền con người được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao,” Cục trưởng Phạm Anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, Cục trưởng Phạm Anh Tuấn chỉ ra rằng công tác thông tin, truyền thông đối ngoại về quyền con người đang đối mặt nhiều thách thức khi đời sống của người dân cả nước còn tiếp tục chịu nhiều khó khăn về giá tiêu dùng, về vấn đề việc làm, thu nhập...

“Lợi dụng tình hình khó khăn, các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo trong nước, phủ nhận các thành tựu và nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam,” Cục trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết.

Phát biểu tại hội nghị Đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác TTĐN Trung ương, cho rằng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt, tự tin giới thiệu những thành tựu phát triển kinh tế xã hội và giới thiệu các mục tiêu lâu dài trên các diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, công tác TTĐN cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ hình thức đến nội dung để đáp ứng tình hình mới.

Đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác TTĐN Trung ương chia sẻ nội dung công tác thông tin đối ngoại tại Hội nghị.
Đồng chí Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác TTĐN Trung ương chia sẻ nội dung công tác thông tin đối ngoại tại Hội nghị.

“Chúng ta có sự chọn lựa trong phát triển, coi trọng phát triển xanh gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội,” Đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh.

“Một số tổ chức quốc tế không thiện chí với Việt Nam khi đưa ra những báo cáo chưa khách quan về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Chúng ta cần chủ động thông tin về hoạt động bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, mạnh dạn đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.”

Đồng chí Lê Hải Bình nêu 5 nội dung cốt lõi, điểm mới của Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới của Bộ Chính trị chính thức ban hành ngày 15/6/2023. Trong đó, Bộ Chính trị khẳng định vai trò của công tác thông tin đối ngoại là bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân”, với phương châm của thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới là "Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”. 

Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Bộ Công an, cập nhật tình hình và kết quả nổi bật của Việt Nam trong bảo đảm và phát huy quyền con người cũng như thông tin về một số hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, nêu 3 quan điểm về truyền thông quyền con người, bao gồm Truyền thông để hiểu biết về quyền con người – cơ sở để bảo vệ và phát huy hơn quyền con người; Là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Bảo vệ tốt là điều kiện để truyền thông tốt; Truyền thông ưu tiên ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại trên các nền tảng số.

Phó cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại nói rằng cán bộ thông tin đối ngoại cần nghiên cứu và tập trung tuyên truyền Luật pháp quốc tế về quyền con người, kinh nghiệm truyền thông quốc tế; Kết quả nội luật hóa về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; Các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam; và Các ưu tiên đối ngoại, vai trò, đóng góp quốc tế của Việt Nam về quyền con người.

Tại hội thảo, đại diện cán bộ truyền thông 26 tỉnh và thành phố miền Bắc và các cơ quan báo chí cùng thảo luận và chia sẻ những khó khăn khi thực hiện công tác tuyên về công tác nhân quyền cũng như các phương pháp hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ trong thông tin đối ngoại.