Theo Bộ Quốc phòng, khu vực, tuyến, vùng biển trọng điểm thường diễn ra hoạt động buôn lậu, Vùng đặc quyền kinh tế Tây Nam; ven biển các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang; luồng cảng biển quốc tế.
Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, làm thất thu ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, trực tiếp đến an ninh năng lượng của quốc gia.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
|
Tính từ ngày 01/12/2012 đến ngày 27/9/2015, các lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng đã khởi tố 2 vụ/2 tàu/15 đối tượng, với 649.079 lít dầu DO lậu; xử lý hành chính 67 vụ, tịch thu 21.321.682 lít xăng, dầu; thu nộp ngân sách trên 270 tỷ đồng.
Bộ Quốc phòng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ, ngành chức năng khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn việc xử lý hình sự đối với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 153, Điều 154 Bộ Luật Hình sự) để các cơ quan bảo vệ pháp luật thống nhất trong nhận thức và xử lý.Cấp ủy, chính quyền các địa phương có biển lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng có liên quan tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Bộ Công an, triển khai biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với số đầu nậu xăng dầu ở trong nước, phát hiện đường dây chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để thanh toán việc mua bán xăng dầu lậu.
Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng mạnh chế tài xử lý; áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện đối với các hành vi mua, bán, vận chuyển, sang mạn xăng dầu lậu, xăng dầu không có nguồn gốc hợp pháp có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Bộ Tài chính chỉ đạo Cơ quan Thuế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý hóa đơn, xử lý nghiêm các hành vi lập khống, mua, bán hóa đơn để giúp các đối tượng hợp thức hóa xăng dầu lậu, xăng dầu không có nguồn gốc hợp pháp.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ không để tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài lao động trái phép, tham gia vào những hoạt động vi phạm pháp luật.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu trên biển, bảo đảm tính liên tục, quyết liệt, liên hoàn từ biển - bờ - nội địa và ngược lại; tập trung đấu tranh với số đầu nậu điều hành hoạt động buôn lậu xăng dầu.
Bổ sung kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu trên biển; có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với các kiến nghị trên của Bộ Quốc phòng; đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các kiến nghị của Bộ Quốc phòng theo quy định của pháp luật, nhất là việc chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển trao đổi thông tin, thống nhất kế hoạch đấu tranh, đảm bảo triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển.
Phó Thủ tướng yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Bộ Tài chính) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập khi áp dụng Điều 153, Điều 154 Bộ Luật hình sự trong việc xử lý hình sự các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đề xuất sửa đổi, bổ sung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2016.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ động kiểm tra đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc thực hiện các kiến nghị của Bộ Quốc phòng; tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kết quả trong quý II/2016.