Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường công tác tuyên truyền giữa Báo Kinh tế & Đô thị và huyện Gia Lâm

Nam Bắc – Đức Dinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/10, Chi hội Báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi làm việc với UBND huyện Gia Lâm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện và công tác tuyên truyền giữa hai đơn vị.

Kinh tế tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, 9 tháng đầu năm 2018, giá trị kinh tế của huyện duy trì mức ổn định, có bước phát triển và tăng cao hơn so cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 10,42%, trong đó công nghiệp, xây dựng tăng 9,68%; thương mại, dịch vụ tăng 17,53%; nông lâm nghiệp, thủy sản giảm 1,83%.
 Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, Đại hội Đảng bộ lần thứ 21 của huyện Gia Lâm xác định 2 khâu đột phá gồm: Cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hồ Hạ.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm đạt 2.567.443 triệu đồng, loại trừ kết dư, chuyển nguồn, thu ngân sách nhà nước đạt 1.662.678 triệu đồng, bằng 69,5% dự toán TP phố và huyện giao. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng và triển khai kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2018 và giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn. Hoàn thiện quy trình phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất và cho thuê đất trên địa bàn. Thực hiện thành công đấu giá quyền sử đụng dất nhỏ lẻ, kẹt với tổng số tiền trúng thầu đấu giá dự kiến đạt 428.172 triệu đồng, bằng 35,2% kế hoạch.
Đến nay, toàn huyện Gia Lâm đã có 20/20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 8/9 tiêu chí đạt, 1 tiêu chí cơ bản đạt đối với huyện nông thôn mới. Hiện tại huyện đang hoàn thiện quy trình, thủ tục và hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới báo cáo TP và Trung ương; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí…
 Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức tin tưởng Gia Lâm sẽ hoàn thành huyện nông thôn mới như dự kiến, tiếp tục phát triển thành quận đô thị như lộ trình đề ra. Ảnh: Hồ Hạ.
Những bước đi đột phá
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, Đại hội Đảng bộ lần thứ 21 của huyện Gia Lâm xác định 2 khâu đột phá gồm: Cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, về phát triển kinh tế, thu ngân sách của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước; riêng 9 tháng đầu năm nay đã đạt gần 2.600 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của huyện Gia Lâm đạt 42 triệu đồng/người/năm. Hiện tại tốc độ đô thị hóa ở Gia Lâm tăng cao nhưng người dân vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp.
Để khuyến khích phát triển nông nghiệp, huyện Gia Lâm đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, phát triển rau an toàn và cây ăn quả. Huyện đã đầu tư hạ tầng, đường bê tông cho các vùng chuyên canh. Hiện Gia Lâm đã hình thành mô hình hợp tác kiểu mới theo liên kết chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ với khoảng 110 nhóm. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ người dân vùng chăn nuôi các giải pháp xử lý môi trường như xây hầm biogas, nuôi giun quế, xử lý rác thải trong nông nghiệp… Đến nay, môi trường của các xã đã cơ bản được cải thiện. Về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, huyện hỗ trợ bất cứ tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu xây dựng.
 Cùng ngày, Chi hội Báo Kinh tế và Đô thị đã làm việc với UBND xã Kiêu Kỵ và tìm hiểu làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ. Ảnh: Hồ Hạ.
Cũng theo ông Lê Anh Quân, Gia Lâm không có nhiều làng nghề nhưng những làng nghề của huyện đều đặc sắc, thậm chí có một không hai như: Làng nghề Bát Tràng, làng nghề vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, làng thuốc nam thuốc bắc Ninh Hiệp… Hiện tại, huyện Gia Lâm đang xây dựng các làng nghề phát triển theo hướng gắn với du lịch.  
Việc xây dựng nông thôn mới được huyện Gia Lâm xác định gắn với đề án thành lập quận. Đến thời điểm này, huyện đã có 24/28 tiêu chí đạt, hiện đang hoàn thiện dự thảo đề án thành lập quận trình UBND TP.
Sau khi nghe trao đổi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức chúc mừng những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà huyện Gia Lâm đạt được, đồng thời bày tỏ tin tưởng Gia Lâm sẽ hoàn thành huyện nông thôn mới như dự kiến, tiếp tục phát triển thành quận đô thị như lộ trình đề ra. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm - ông Lê Anh Quân mong muốn trong thời gian tới, Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục có sự hợp tác tuyên truyền về công tác xây dựng nông thôn mới cũng như các vấn đề nóng trên địa bàn, giúp huyện hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.