Cùng dự có Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị. |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trong quý III /2018, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị TP tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện QCDC cơ sở ở xã, phường, thị trấn và các loại hình một cách nghiêm túc, khoa học, bài bản.
Việc thực hiện QCDC ở cơ sở được gắn với các chỉ thị, nghị quyết của Đảng như: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ” pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Ngoài ra, việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy đã giúp các cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp ghi nhận những góp ý, phản ánh khách quan của Nhân dân về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa ở địa phương để từ đó kịp thời điều chỉnh những hạn chế, tồn tại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đến nay, đã có 14/30 quận, huyện, thị xã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại năm 2018.
Đa số nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp đã tập trung vào những vấn đề được Nhân dân trên địa bàn đang quan tâm như: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
Những ý kiến tham góp, kiến nghị, đề xuất của Nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết một phần tại hội nghị. Đồng thời, tiếp thu, chỉ đạo các ngành chuyên môn thuộc địa phương hoặc chuyển cho các cơ quan chức năng theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ, xử lý, giải quyết cơ bản qua đó góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Nhân dân đối với Đảng, chính quỷền trong tình hình mới.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Thành phố đã thành lập 4 đoàn kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC ở 40 xã, phường, thị trấn thuộc 20 quận, huyện. Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, đảng bộ trực thuộc đã tích cực tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo việc thực hiện QCDC, gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị. Một số đơn vị làm tốt như: Quận Hoàng Mai gắn thực hiện QCDC với triển khai công tác GPMB, quận Long Biên tích cực xây dựng, triển khai QCDC trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bảo vệ môi trường…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở cần tập trung thực hiện trong quý IV/2018. Trong đó, tập trung tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” trong tháng 10. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về kết quả Hà Nội đạt được trong 20 năm qua và kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt để nhân rộng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện gắn với triển khai Hướng dẫn 02 của Thành ủy về thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc T.Ư tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 124-QĐ/TW về giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Trong đó, chú trọng tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện cán bộ có sai phạm để kịp thời phòng ngừa, chấn chỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trực tiếp giải quyết, tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở. Đồng thời, gắn thực hiện QCDC với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị.