Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam có sự tham gia của khoảng hơn 200 đồng bào của 15 dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, tà Ôi, ba Na, Cơ Tu, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer) tại 13 địa phương có đồng bào tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng văn hóa.
Chia sẻ thông tin về Ngày hội trình diễn cây Nêu, Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết: “Cây nêu trong ngày hội do 6 tỉnh tham gia đem tới, có đặc trưng của tỉnh mình và dựng tại gian trưng bày triển lãm của tỉnh đó. Cụ thể các tỉnh sẽ trưng bày cây nêu của các dân tộc: tỉnh Đắk Lắk - dân tộc Ê Đê, tỉnh Sơn La – dân tộc Thái, tỉnh Đà Nẵng – dân tộc Cơ Tu, tỉnh Thanh Hóa – dân tộc Mường, tỉnh Quảng Nam – dân tộc Ca Dong. Cây nêu được trưng bày gắn với nghi lễ, nghi thức của từng dân tộc, thể hiện được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đó".
Phát biểu tại họp báo, đại diện BTC sự kiện nhấn mạnh các hoạt động văn hóa sẽ diễn ra. Trong khuôn khổ sự kiện, triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” diễn ra từ 22 – 26/11 bao gồm khoảng 160 tác phẩm nhiếp ảnh có chất lượng về nội dung và hình thức nghệ thuật giới thiệu về 54 dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc bao gồm các hoạt động: Liên hoan Văn nghệ quần chúng; Trình diễn Trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa gắn với cây Nêu; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của các địa phương tham gia. Hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc được tổ chức nhằm tăng cường giao lưu, phối hợp giữa các dân tộc tham gia ngày hội.
Chia sẻ về sự chuẩn bị cho ngày hội, Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Trung cho biết, BTC đã chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện đón tiếp khách trong tuần lễ tổ chức sự kiện.