70 năm giải phóng Thủ đô

Tăng cường hỗ trợ ngư dân bám biển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương -981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam và vấn đề hỗ trợ ngư dân bám biển sản xuất

Xin ông cho biết quan điểm của Bộ NN&PTNT về việc Trung Quốc thông báo rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam?

Lẽ ra Trung Quốc phải làm sớm hơn vì họ hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là sự đấu tranh rất quyết liệt của ngư dân và toàn bộ người nhân dân, dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như bàn bè và dư luận trên thế giới ủng hộ. Âm mưu của Trung Quốc là muốn độc chiếm biển đông nên chúng ta vẫn cần cảnh giác, tiếp tục theo dõi hành động mới của Trung Quốc. Chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền trên biển.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tặng quà cho lực lượng Kiểm ngư vùng II.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tặng quà cho lực lượng Kiểm ngư vùng II.
Đối với ngư dân, đây là tin vui nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì những tác động tới ngư dân từ phía Trung Quốc còn phức tạp. Lực lượng của chúng ta, trong đó có kiểm ngư và các lực lượng khác vẫn phải nâng cao năng lực để bảo vệ ngư dân và chủ quyền quốc gia trong thời gian tới. Hơn nữa, vừa qua, Nghị định 67 về Phát triển thủy sản mới được Chính phủ ban hành sẽ là động lực giúp ngư dân yến tâm bám biển. Sắp tới, lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển sẽ được tăng cường đóng tàu hiện đại, thêm tàu mới, tăng cường năng lực để giúp ngư dân và bảo vệ chủ quyền trên biển.

 Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục triển khai về hạ tầng, thông tin để tin tức  hai chiều giữa tàu cá và trên bờ được thông suốt, giúp ngư dân phòng tránh thiên tai và rủi ro trên biển.

Xin ông cho biết về những điểm nổi bật trong Nghị định 67 mới được ban hành về việc hỗ trợ ngư dân bám biển?

Nghị định này được thiết kế gấp, hơn 1 tháng nhưng tương đối chi tiết. Để triển khai Nghị định, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đều phải có văn bản hướng dẫn. Riêng Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức nghiên cứu điều tra nguồn lợi và dự báo ngư trường. Đến nay đã có số liệu của 3 nhóm thủy sản quan trọng để tổ chức lại khai thác là: Cá nổi lớn, cá  nổi nhỏ và cá đáy, một số loại khác như giáp xác… Dựa vào điều tra sẽ có quy hoạch cụ thể số tàu cá theo nhóm nghề ngư trường, định hướng số lượng tàu đóng mới từ nay tới năm 2020.

 Ngoài ra, hướng phát triển tàu vỏ thép sẽ là hướng trọng tâm để hiện đại hóa của ngành thủy sản. Theo đó, khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn từ 400 CV trở lên, hỗ trợ ngư dân theo nguyên tắc tàu vỏ thép được khuyến khích hơn vỏ gỗ.

 Nhưng nếu ngư dân ồ ạt tham gia có phá vỡ kế hoạch số lượng tàu tham gia khai thác không, thưa ông?

 Khi có chính sách tốt mà không quản lý, hướng dẫn tốt thì sẽ dần tới nhiều hệ lụy. Như việc hàng loạt ngư dân đóng tàu tự phát trước sẽ khiến số lượng tàu tăng, không có nguồn lợi để khai thác, nhiều tàu sẽ phải nằm bờ, thiệt hại cuối cùng là người dân. Do vậy, Nghị định 67 đã rút kinh nghiệm từ những chính sách trước. Theo đó, phải căn cứ vào quy hoạch, trên cơ sở hướng dẫn quy hoạch của Bộ NN&PTNT, căn cứ vào nguồn lợi để đóng mới tàu. Tại các nước, họ cấp hạn mức cho việc khai thác, chúng ta chưa làm được nhưng chúng ta dựa trên trữ lượng nguồn lợi và giao cho 3 tỉnh xem xét đóng bao nhiêu tàu là vừa. Cùng với đó là hướng dẫn lại phương thức phát triển từng nhóm nghề, phát triển loại nghề gì, bao nhiêu tàu là vừa.

 Trong Nghị định cũng nói rõ, các chủ tàu, muốn theo chính sách này phải đăng ký với xã. Xã sẽ xem thực sự chủ tàu đi biển thật không, khai thác vùng nào, từ đó trình lên huyện, tỉnh phê duyệt danh mục. Ngoài ra, Bộ sẽ tổng hợp nhu cầu vay vốn của ngư dân, giám sát và định hướng ngư dân phát triển tàu theo nhóm nghề khuyến khích phát triển, tư vấn những nhóm nghề không khuyến khích và nguồn lợi quá cạn kiệt thì không phát triển và điều chỉnh lại. Như vậy, chính sách sẽ khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận vốn, phát triển có định hướng và có lợi cho người dân.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!