Cảng Vietsovpetro Vũng Tàu. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga
Nga là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 4,2%, năm 2012 đạt 3,4%. Cơ cấu kinh tế Nga dựa nhiều vào khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, với các ngành kinh tế chính là: dầu khí, khai khoáng, luyện kim, chế tạo máy, hóa chất...
Nga là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đứng thứ hai thế giới về sản xuất khí đốt và giữ một trong những vị trí hàng đầu về sản xuất thép, kim loại màu, phân bón...
Ngày 30/1/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước trong giai đoạn phát triển mới.
Ngày 1/3/2001, Việt Nam và Liên bang Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược. Năm 2012 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ song phương Việt-Nga với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố, tin cậy lẫn nhau. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Gần đây nhất, lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Nga có Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 5/2004); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (8/2008); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9/2007 và 12/2009); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7/2012)...
Lãnh đạo cấp cao Liên bang Nga sang thăm Việt Nam có Tổng thống Nga V. Putin (tháng 3/2001 và tháng 11/2006); Tổng thống Nga D. Medvedev (tháng 10/2010); Thủ tướng Nga M. Fradkov (tháng 2/2006); Thủ tướng Nga D. Medvedev (tháng 11/2012)...
Hai nước tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, đặc biệt là Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, đối ngoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh thường niên, tham vấn chính trị định kỳ giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai nước phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế, đặc biệt tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ các diễn đàn khu vực như APEC, ASEAN, ASEM, EAS...
Quan hệ kinh tế-thương mại phát triển năng động với kim ngạch hai chiều năm 2012 đạt gần 2,45 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2011, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt gần 1,62 tỷ USD, nhập khẩu từ Nga đạt 830 triệu USD; 3 tháng đầu năm 2013 đạt 734 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 418 triệu USD, nhập khẩu 216 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm may mặc, nông, thủy, hải sản các loại... và nhập khẩu từ Nga chủ yếu là xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị...
Hợp tác trong lĩnh vực đầu tư có nhiều khởi sắc, tính đến ngày 20/4, Nga đứng thứ 18/101 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 93 dự án và tổng số vốn đăng ký là 2,07 tỷ USD. Đầu tư của Nga vào Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua, tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo và tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như ngân hàng, viễn thông... Hiện Việt Nam có 16 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại...
Trong lĩnh vực năng lượng, hai bên tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, hiện nay Nga đang triển khai dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I. Hợp tác dầu khí được đẩy mạnh, các liên doanh dầu khí hai nước như Vietsovpetro, Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet đều hoạt động hiệu quả. Hợp tác khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, văn hóa phát triển tốt đẹp. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu ở Việt Nam về du lịch với trên 176.000 lượt khách sang Việt Nam trong năm 2012.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Liên bang Nga lần này nhằm khẳng định coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga; tiếp tục thực hiện cơ chế trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước; thông báo cho nhau về tình hình chính trị-kinh tế, chính sách đối ngoại mỗi nước; trao đổi ý kiến về các vấn đề thời sự quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Việt Nam-Belarus: Làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt
Việt Nam và Belarus có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp. Belarus coi trọng việc tăng cường phát triển quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp.
Gần đây nhất, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Belarus tháng 5/2010; Thủ tướng Myasnikovich đã thăm Việt Nam tháng 11/2011. Việt Nam và Belarus phối hợp chặt chẽ và thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, trong khuôn khổ Liên hợp quốc.
Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Belarus phát triển ổn định với kim ngạch hai chiều năm 2012 đạt 190 triệu USD. Hai bên đang thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như công nghiệp nặng, nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Trong đó, hai bên chú trọng tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như gạo, thủy sản, càphê, chè sang Belarus; nghiên cứu khả năng thành lập liên doanh sản xuất sữa tại Việt Nam và chế biến càphê tại Belarus...
Hai bên đã ký Chương trình hợp tác kinh tế giai đoạn 2013-2015 với mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai nước lên mức 1 tỷ USD trong những năm tới. Belarus đã tham gia đàm phán vòng đầu tiên về FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan cuối tháng 3 tại Hà Nội.
Ngoài ra, hợp tác giữa các địa phương hai nước tích cực được thúc đẩy. Hai bên đã ký các văn kiện hợp tác giữa Hà Nội và Minsk, Đà Nẵng và tỉnh Grốtnô, Thành phố Hồ Chí Minh và Minsk, Quảng Ninh và Minsk, Grốtnô, Bờrétxtơ, Hải Phòng, Bình Thuận và Vichépxcơ... Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, y tế, giáo dục, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-thông tin, thể thao-du lịch, lao động...
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Cộng hòa Belarus lần này nhằm khẳng định coi trọng việc phát triển và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Belarus, tăng cường quan hệ chính trị tốt đẹp, tạo nền tảng mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.