Cầu Đuống bắc qua sông Đuống, trên quốc lộ 1 cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên (thị trấn) thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Cầu có 3 phần riêng rẽ gồm đường sắt ở giữa, hai bên là đường bộ cho hai chiều phương tiện từ trung tâm Hà Nội đi Bắc Ninh và ngược lại. Hàng ngày, các tuyến tàu hỏa vẫn hoạt động qua cây cầu này. Các phương tiện đường bộ qua lại trên cầu và phương tiện đường thủy qua lại dưới cầu nườm nượp.
Cầu Đuống trước kia được xây dựng và đưa vào khai thác năm 1902, với công năng kết hợp giao thông đường bộ (QL1 cũ) và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng). Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu bị bom đánh sập, đến năm 1981 cầu mới được xây dựng lại và đưa vào sử dụng (cầu hiện tại).
Năm 2010, cầu được sửa chữa lớn nhân dịp đón 1.000 năm Thăng Long với các hạng mục thay tấm đan phía hạ lưu, thảm lại mặt cầu đường bộ, hàn gia cố một số liên kết, sơn lại cầu... Đến nay, nhiều vật tư trên cầu đã xuống cấp.
Tà vẹt gỗ đường sắt nhiều thanh bị mục, nứt; các thanh cũ, mới xen kẽ kiểu "xôi đỗ", không được đầu tư đồng bộ. Phần đường bộ, khe co giãn bị rỉ hỏng, tấm đan nhiều vị trí bị vỡ, mặt cầu đường bộ thường xuyên bị bong tróc tạo thành ổ gà. Bên dưới, dòng chảy xoáy dẫn đến bị xói vào hệ thống cọc và trụ.
Đây được cho là một trong những cây cầu có tuổi thọ lâu đời ở Hà Nội với lưu lượng phương tiện lưu thông đông đúc. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cây cầu này, Sở GTVT TP Hà Nội hạn chế tải trọng cho ô tô dưới 13 tấn lưu thông.
Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) với tổng vốn dự kiến gần 1.900 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025. Dự án được triển khai do cầu Đuống hiện tại có tĩnh không hạn chế, chỉ 2,8m; Bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa 26m, nguy cơ cao xảy ra va chạm giữa tàu và trụ cầu, tiềm ẩn mất an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt.
Trong khi chờ triển khai xây lắp và hoàn thành dự án, cầu Đuống hiện tại vẫn khai thác bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông qua khu vực cầu, Công ty CP Đường sắt Hà Hải kiến nghị đẩy nhanh xây dựng cầu mới; Trong khi chờ đợi, thành phố Hà Nội cần cấm triệt để các loại xe quá khổ quá tải qua cầu này.
Trước đó, theo phản ánh của đơn vị quản lý cầu Đuống, mỗi ngày, hàng trăm lượt xe tải hàng chục tấn vẫn vô tư vượt qua cầu, bất chấp lệnh cấm xe tải nặng hơn 13 tấn đi qua. Nguy cơ sập cầu Đuống treo lơ lửng khi mặt cầu đường bộ, khe co giãn thường xuyên bị xe tải cỡ lớn phá hoại, cầu thường xuyên rung lắc.
Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội ông Trần Nhật Quang cho biết, đơn vị vừa yêu cầu các Đội Thanh tra GTVT quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm và các đơn vị như Cầu Đường bộ, Đường bộ phối hợp với Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải kiểm tra, xác minh thông tin về việc phương tiện giao thông đường bộ có trọng tải trên 13 tấn lưu thông qua cầu Đuống.
Cùng đó, phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông qua cầu Đuống, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.