Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường kiểm soát, xử lý xe chở hàng cồng kềnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người bất chấp sử dụng những phương tiện cũ, nát chở hàng cồng kềnh diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đường.

Không chỉ gây UTGT, những chiếc xe này còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do không đủ điều kiện an toàn về kỹ thuật. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp chở hàng cồng kềnh để tình hình trật tự ATGT được ổn định.

“Những diễn viên xiếc”

Giới hạn xếp hàng hóa trên các phương tiện giao thông đã được quy định trong Thông tư 07/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ. Theo đó, đối với mô tô, xe gắn máy, khoản 4, điều 18 quy định không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,30m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,50m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2m.
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội xử lý xe chở hàng cồng kềnh. 	 Ảnh:  Thành Lộc
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội xử lý xe chở hàng cồng kềnh. Ảnh: Thành Lộc
Tuy nhiên, thực tế thì… khác xa luật. Bởi chỉ dạo quanh các tuyến phố nội thành Hà Nội, không khó bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đạp, xe máy, xe ba bánh… cà tàng, cũ nát được cơi nới phía sau yên xe để chở hàng hóa cồng kềnh gây mất trật tự ATGT. Chủ xe có thể chất mọi thứ hàng hóa lên yên sau từ những thùng bánh kẹo, quần áo, đệm, ống nước lớn, khung cửa, sắt thép đến lợn, gà, rau củ thực phẩm... và tận dụng mọi khoảng trống trên xe để chất đồ đạc, càng nhiều càng tốt. Hàng hóa chất chồng “cao hơn núi” đến nỗi không nhìn thấy chủ phương tiện.

Người lưu thông cạnh những chiếc xe này luôn có cảm giác lo lắng xen lẫn bức xúc do hàng hóa trên xe quá khổ không được chằng buộc cẩn thận, người lái xe do chở nặng nên tay lái thường loạng choạng, không vững. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, đường đông, những phương tiện chở hàng cồng kềnh còn cản trở tầm quan sát của những người tham gia giao thông khác và khi thắng gấp rất dễ gây tai nạn, không chỉ nguy hiểm cho họ, mà còn ảnh hưởng đến người đi đường. Đáng chú ý hơn là có nhiều xe chở hàng lại sắp xếp một người ngồi phía trước, người điều khiển phương tiện ngồi giữa, phía sau là những khối hàng lớn chiếm hết không gian xung quanh, không quan sát được phía sau qua kính chiếu hậu, rất dễ bị mất lái khi gặp chướng ngại vật hoặc các tình huống giao thông bất ngờ. Trong khi đó ở một số tuyến đường ngoại thành Hà Nội, tình trạng các xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng và hàng hóa không bảo đảm ATGT cũng diễn ra thường xuyên.

Cương quyết xử lý nghiêm

Các chủ phương tiện chở hàng cồng kềnh mặc dù biết sai, nhưng vì cuộc sống còn nhiều vất vả nên vẫn cố tình vi phạm. Nhưng không thể lấy hoàn cảnh vất vả để ngụy biện cho hành vi nguy hiểm, xem thường pháp luật về trật tự ATGT. Thực trạng trên đòi hỏi các lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Theo quy định tại Nghị định số 171 của Chính phủ, phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy xếp hàng hóa vượt giới hạn quy định, phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng đối với người điều khiển các loại xe thô sơ xếp hàng hóa vượt quá giới hạn theo quy định. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền nơi người lái xe sinh sống làm tốt công tác tuyên truyền, vận động họ chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, trong đó chấp hành nghiêm chỉnh việc chuyên chở, vận chuyển hàng hóa, nâng cao ý thức tự giác của những chủ nhân điều khiển phương tiện chở đồ cồng kềnh.