DN Việt Nam muốn phát triển lâu dài, cần biết áp dụng những tiến bộ khoa học, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển. Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF 2017) với chủ đề “Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới” sáng 16/6.
Các đại biểu tham dự khai mạc Diễn đàn VBF 2017. |
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, những tháng đầu năm 2017, tuy có khởi sắc song kinh tế thế giới vẫn giữ tốc độc phát triển chậm và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, chính sách quốc tế của một số nước thay đổi là những yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam. Trong nước, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức bao gồm tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa thể bù đắp được cho phần thiếu hụt do giảm sút tăng trưởng của ngành khai khoáng, trong đó dầu thô là chủ yếu. Nông nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững trước tác động của giá cả, thời tiết và môi trường…
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn quyết tâm phấn đầu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%. Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, chính sách quyết liệt, đặc biệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên tinh thần Chính phủ liêm chính – kiến tạo – hành độn, lấy DN và người dân là đối tượng phục vụ. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút hiệu quả hơn mọi nguồn lực, mọi ý tưởng sáng tạo góp phần phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, xây dựng vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng nhân loại vào nền văn minh trí tuệ với 2 đặc trưng cơ ban là “xã hội thông tin” và “kinh tế tri thức”. Thế mạnh tương đối về nguồn lao động giản đơn hoặc tay nghề thấp đã mất ý nghĩa, lợi thế thuộc về những quốc gia có lực lượng lao động được đào tạo đáp ứng được sự đòi hỏi của khoa học và công nghệ; sản phẩm được tạo ra ngày càng phản ánh sự kết tinh từ “chất xám”, từ trí tuệ chứ không phải từ chân tay. Với độ mở của nền kinh tế tương đối lớn, Việt Nam sẽ chịu tác động của những thay đổi nói trên. Và nhiệm vụ của Chính phủ và cộng đồng DN trong thời gian tới là tận dụng được cơ hội và hạn chế thách thức trong bối cảnh mới.
Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục thu hút FDI, đồng thời với phát triển khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, FDI phải có chất lượng cao hơn, thân thiện với môi trường, công nghệ tiên tiến có khả năng dẫn dắt đồng thời hỗ trợ khu vực trong nước cùng phát triển để tham gia vào chuỗi công nghệ và cung ứng toàn cầu. Điều này rất cần tăng cường mối liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF, VBF 2017 sẽ hướng tới việc đảm bảo hai khu vực này phát triển song hành với nhau, tránh tình trạng một nền kinh tế với 2 tốc độ hay là 2 nền kinh tế trong một quốc gia.
VBF giữa kỳ 2017 nhằm tạo cơ hội đối thoại giữa Chính phủ, cộng đồng DN trong và ngoài nước, cùng các nhà tài trợ và cơ quan ngoại giao nhằm thúc đẩy và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thu hút đầu tư khu vực tư nhân trước tác động của các chính sách toàn cầu như TPP, EVFTA, RCEP, Công nghiệp 4.0…
Ban Tổ chức cho biết, VBF năm 2017 tiếp thu gần 1.000 kiến nghị từ DN, hiệp hội DN gửi đến Chính phủ, cơ quan quản lý. Diễn đàn lần này tập trung thảo luận vấn đề lao động, Phát triển ngành công nghiệp phù trợ, vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng; Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiệp định thương mại tự do, Loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan...; thu hút đầu tư của khu vực tư nhân trước tác động của các chính sách toàn cầu; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật....
VBF là diễn đàn được tổ chức thường niên 2 năm một lần. Năm 2016, với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa DN trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”.