Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng cường phục vụ văn hóa nghệ thuật cho vùng sâu, vùng xa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh việc đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt ưu tiên các xã, bản đặc biệt khó khăn sát biên giới và hải đảo.

Đây là nội dung Đề án đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Đề án xác định mục tiêu giảm nhanh khoảng cách chêch lệch thời lượng và chất lượng được hưởng thụ các loại hình và sản phẩm văn hóa, nghệ thuật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số với vùng thấp, đồng bằng, thành thị và các dân tộc trong cả nước.

Cụ thể là nâng dần tỷ lệ (số buổi) được thụ thưởng các loại hình nghệ thuật cho đồng bào các dân tộc tại những vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; kết hợp các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên, khuyến khích các hình thức sinh hoạt nghệ thuật quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác tạo sự đa dạng, phong phú với nhiều cấp độ, quy mô ở cơ sở.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Bên cạnh đó sản xuất các sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng nội dung, hình thức và thẩm mỹ phù hợp; kêu gọi và có cơ chế khuyến khích các ngành, doanh nghiệp, các hội, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Đề án hướng tới từng bước xây dựng địa bàn biên giới, hải đảo trở thành các điểm sáng văn hóa; là địa chỉ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc; là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước, thu hút các nhà đầu tư, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội để đồng bào các dân tộc yên tâm xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, bảo vệ biên cương đất nước.

Thực hiện Đề án, các cơ quan phối hợp có nhiệm vụ thống kê, đánh giá thực trạng về hưởng thụ văn hóa nghệ thuật vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở Trung ương tổ chức đi phục vụ địa phương; tổ chức các ngày hội, liên hoan văn hóa nghệ thuật các cấp. Các đơn vị tổ chức các hoạt động chiếu bóng ở cơ sở; hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm; thư viện và văn hóa đọc; triển lãm...

Nhằm thực hiện tốt việc đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức "Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế-xã hội" đối với cán bộ các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng cơ chế chính sách văn hóa; sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực; sử dụng và phát huy các thành tựu khoa học công nghệ (sóng phát thanh, truyền hình, sóng điện thoại, Internet...).