70 năm giải phóng Thủ đô

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác tư pháp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 17/7, Quận ủy Hoàn Kiếm đã tổ chức hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Đồng chí Nguyễn Công Soái – Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Thành ủy Hà Nội tham dự hội nghị.

Theo báo cáo, việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện chiến lược CCTP theo Nghị quyết 49 đã được các cấp ủy, chính quyền quận, phường, nhất là cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan tư pháp quận tập trung chỉ đạo nghiêm túc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng tư pháp quận Hoàn Kiếm… Vai trò lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của các cơ quan dân cử và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng được khẳng định và tăng cường. Nhờ vậy, công tác tư pháp của quận tiến bộ hơn so với trước khi có NQ 49. Trong 8 năm qua, Công an quận đã  tiếp nhận và xử lý 5.454 tố giác, tin báo tội phạm; tỷ lệ bắt giữ đưa vào khởi tố đạt 99,27%. Viện kiểm sát nhân dân quận có tỷ lệ giải quyết án đạt 99,8%. Tòa án nhân dân quận đã thụ lý 7.179 vụ án, đã giải quyết được 7.006 vụ (đạt tỷ lệ 97,5%).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đánh giá cao kết quả CCTP trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, đã có chuyển biến tích cực, chất lượng điều tra, truy tố, xét xử trên địa bàn được nâng lên so với trước khi thực hiện NQ 49. Đồng chí đề nghị, quận Hoàn Kiếm tiếp tục bám sát mục tiêu NQ 49 của Bộ Chính trị và Đề án 06 của Thành ủy về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp”, trong đó, trọng tâm là hoạt động xét xử cần có hiệu quả và hiệu lực cao.

Đồng chí nhấn mạnh, công tác CCTP phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi đúng định hướng, có lộ trình và gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của quận và Thủ đô. Đồng thời, quận cần tiếp tục tổ chức quán triệt quan điểm, nội dung của NQ 49 tới cán bộ đảng viên; đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, phòng ngừa các hành vi vi phạm. Tiếp tục củng cố bộ máy và nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn đối với cán bộ công chức, viên chức tư pháp nhằm đáp ứng tình hình mới. Chú trọng xây dựng Đảng trong các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của HĐND, MTTQ và các đoàn thể; đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc với công tác CCTP.