Ngày 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tăng cường phân cấp quản lý ngân sách
Giải trình những vấn đề các đại biểu quan tâm về Luật Ngân sách Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật được sửa đổi để giải quyết ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong thời hạn ngắn. Trong nhiệm kỳ tới sẽ tiến hành sửa toàn diện Luật theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách, tăng tính chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương.
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội, liệu Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) có xung đột với Luật Đầu tư công hay không? Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã bàn bạc rất kỹ, các nội dung sửa đổi trong Luật Ngân sách nhà nước lần này phù hợp với Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Nhằm tránh đầu tư dàn trải, phá vỡ chính sách tài khóa, Luật Đầu tư công sửa đổi lần này quy định kế hoạch đầu tư công trung hạn được xác định trên cơ sở cân đối tài khoá trong 5 năm, "tức là có tiền mới làm, không phải không có tiền vẫn làm", tăng hiệu quả đầu tư. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, các khoản phát sinh trong năm ngân sách sẽ được bố trí để chi cho các dự án, công trình cần thiết mà chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Dẫn chứng trường hợp cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu theo Luật Đầu tư công hiện hành, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ không thực hiện được. Do đó, phải dùng nguồn dự phòng ngân sách, nguồn tiết kiệm thu để đầu tư, sớm hoàn thành công trình, đảm bảo hoạt động đi lại cho người dân. Đây là những yêu cầu của thực tiễn, vừa đáp ứng nhu cầu điều hành chính sách tài khoá vừa đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực ngân sách của Nhà nước.
Đối với các khoản dự phòng, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, vượt thu ngân sách để chi cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thảm hoạ, bão lụt, an ninh quốc phòng và một số khoản chi khác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) đã quy định rõ thẩm quyền quyết định các khoản này để minh bạch, rõ trách nhiệm, điều hành có hiệu quả.
Các nguồn vốn trên khai triển khai vẫn thực hiện theo trình tự thủ tục của đầu tư công. Theo đó, vẫn thực hiện lập dự án, phê duyệt thiết kế, mời thầu, đấu thầu, thực hiện đầu tư, quyết toán... như dự án đầu tư công. Chỉ khác nguồn vốn có đưa vào kế hoạch trung hạn hay không, còn lại vẫn đảm bảo hiệu quả và đúng trình tự.
Liên quan đến vấn đề dự toán đã được Quốc hội quyết định, có ý kiến đại biểu cho rằng không nên giao Chính phủ điều hành khoản dự toán này. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, vấn đề này đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ đề cập.
"Ví dụ khi triển khai 1 dự án mà thay đổi dự toán Quốc hội quyết định nhưng vẫn trình Quốc hội phê duyệt thì sẽ mất nhiều thời gian hơn. Do đó, Quốc hội đã quyết định dự toán tổng thể, sau đó Chính phủ sẽ điều hành phân bổ từng khoản khi có đơn giá, định mức được phê duyệt. Điều này sẽ cá thể hóa trách nhiệm" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Vấn đề quản lý, điều hành được phân cấp rõ ràng
Đối với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định về thẩm quyền điều động, quản lý, phê duyệt, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, lần sửa đổi này được thay đổi toàn diện. Trước đây, Bộ Tài chính phê duyệt điều chuyển các tài sản nhưng Dự thảo Luật lần này phân cấp nhiều hơn, những tài sản thuộc tỉnh thì HĐND tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ, giao UBND tỉnh điều hành quản lý, đối với tài sản của các bộ ngành, Bộ trưởng quyết định.
Theo đó, Bộ Tài chính chỉ quyết định những vấn đề tài sản điều từ ngành này sang ngành khác, địa phương này sang địa phương khác, từ địa phương lên Trung ương hoặc ngược lại... Tài sản an ninh quốc phòng thì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Còn lại vấn đề quản lý, điều hành được phân cấp rất rõ ràng.
Các đơn vị sự nghiệp công lập đưa tính khấu hao, sản phẩm nào tính khấu hao phải trích quỹ đầu tư phát triển, sản phẩm không tính khấu hao, không cần trích lập, do đó phụ thuộc vào vấn đề sản phẩm. Tài sản liên doanh liên kết đã được quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công, đất đai, thực hiện theo đúng Luật Đất đai, các đơn vị sự nghiệp có quyền liên doanh liên kết để thực hiện các dịch vụ theo chức năng nhiệm vụ nhưng không được làm mất tài sản công, mất đất.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, kiểm toán viên phải tham gia hiệp hội kiểm toán. Hiệp hội này là hội tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động, chủ yếu bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ về nghiệp vụ đối với thành viên. Kiểm toán viên không nhất thiết phải vào Hiệp hội, nếu cần thiết họ sẽ tự nguyện vào, không nên bắt ép.
Đối với Luật Chứng khoán, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có tài sản đảm bảo hoặc ngân hàng thương mại bảo lãnh khi phát hành trái phiếu ra công chúng. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước đây cơ quan soạn thảo đã đưa nội dung này vào Dự thảo Luật, sau đó tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp, Chính phủ đã họp thống nhất không cần quy định này vì nếu quy định như vậy sẽ thu hẹp, ảnh hưởng thị trường chứng khoán hiện nay. Do đó, sẽ thực hiện đánh giá theo thông lệ quốc tế là xếp hạng tín nhiệm đối với phát hành ra công chúng và tăng cường thanh kiểm tra để hạn chế rủi ro.