Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách sẽ được ngành thuế tăng cường trong năm 2013.

Trong đó, cơ quan quản lý sẽ chú trọng việc thanh tra với các doanh nghiệp lớn và các chuyên đề như chuyển giá, thương mại điện tử hay kinh doanh qua mạng…

 
Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách - Ảnh 1
 
(Ảnh minh họa: Internet)

Ý kiến này được ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chia sẻ khi nói về những giải pháp sẽ được ngành thuế tập trung trong năm 2013 được dự báo vẫn đầy khó khăn.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Tổng cục Thuế rõ hơn về vấn đề này.

- Trong điều kiện kinh tế khó khăn, thuế là một trong số ít ngành đạt được số thu vượt dự toán năm 2012. Theo ông, công tác thu thuế trong năm qua đã thực sự thành công?

Ông Bùi Văn Nam: Ngành thuế triển khai nhiệm vụ năm 2012 trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, tình hình kinh tế xã hội trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị đình đốn. Ngoài ra, việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường cũng làm giảm thu hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong điều kiện ấy, kết quả thu trong năm 2012 do ngành thuế quản lý ước đạt 607.844 tỷ đồng, bằng 104,5% so với dự toán.

Tôi cho rằng, kết quả nêu trên có sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ.

Ngoài ra, có được số thu này cũng nhờ sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt, hiệu quả từ các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong việc tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế, nhất là các biện pháp tăng thu, chống thất thu, các giải pháp chống gian lận thương mại, kiểm soát chuyển giá, trốn thuế.

Ngành thuế trong năm qua cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế găn với việc thực hiện cơ chế “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, cơ quan thuế các cấp đã tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại và tổ chức nhiều tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế để tiếp thu và giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Tôi cũng cho rằng, toàn ngành năm qua đã tích cực triển khai các biện pháp quản lý nợ, từ việc giao chỉ tiêu nợ cụ thể cho từng đơn vị, rà soát, phân loại nợ kịp thời để đôn đốc nhắc nhở người nộp thuế tới việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế.

-  Cũng trong năm qua, tình trạng doanh nghiệp lợi dụng các chính sách để chuyển giá hay chây ì trốn thuế đã khiến dư luận khá quan tâm. Ngành thuế có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Bùi Văn Nam: Ngành thuế xác định một trong những giải pháp trong năm 2013 là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách.

Trong đó, chúng tôi sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi thanh kiểm tra, giao chỉ tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra với các Cục thuế, thanh tra đạt 1,79% và kiểm tra đạt 13% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế.

Đặc biệt, các đơn vị trong ngành sẽ chú trọng việc thanh tra đối với các chuyên đề như: chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, hoàn thuế, hộ kinh doanh cá thể; thanh tra đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, một số lĩnh vực sẽ được thanh tra như khai thác khoáng sản, bất động sản, kinh doanh du lịch, dịch vụ,...

Bên cạnh đó, ngành thuế cũng xác định sẽ đẩy mạnh áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế nợ mới phát sinh. Tổng cục Thuế cũng thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ năm 2013 cho Cục thuế các địa phương, phấn đấu tỷ lệ tổng nợ đến 31/12/2013 không quá 5% so với số thực hiện.

Các đơn vị trong ngành cũng sẽ thực hiện tốt quy chế công bố thông tin đối với những doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn để những đơn vị này ý thức hơn trong việc chấp hành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Đặc biệt, cơ quan thuế sẽ thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để phát hiện kịp thời các trường hợp thực tế có kinh doanh nhưng không đăng ký để đưa vào diện quản lý. Các đơn vị sẽ có nhiệm vụ giám sát và nắm bắt kịp thời số doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, số doanh nghiệp ngừng hoạt động (bỏ trốn, giải thể, phá sản) và số doanh nghiệp đang hoạt động.

- Trong điều kiện kinh tế năm 2013 được dự báo tiếp tục khó khăn, một số ý kiến đã cho rằng, dự toán thu năm nay trong đó có số thu nội địa tăng tới gần 20% sẽ rất áp lực với ngành thuế. Vậy đâu là những nhiệm vụ, giải pháp ngành thuế đặt hy vọng trong năm 2013, thưa ông?

Ông Bùi Văn Nam: Chúng tôi xác định bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và cấp uỷ, Uỷ ban Nhân dân các cấp để chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu.

Ngoài ra, ngành thuế tập trung việc đẩy mạnh tiến tránh cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế đảm bảo lộ trình đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế nhằm giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế, tạo mọi điều kiện thuận lợi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển.

Trong đó, ngành thuế sẽ nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo một chủ động và tích cực hơn nữa để phát hiện đánh giá kịp thời những yếu tố tác động làm tăng, giảm nguồn thu ngân sách.

Ngoài ra, tôi cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng khác là tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực, đảm bảo phương châm hành động theo Tuyên ngôn ngành thuế “minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới” đi vào thực chất. Ngành thuế cố gắng thường xuyên tổ chức các tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế, các hội nghị đối thoại, tập huấn chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý thuế.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần