Tăng cường thông tin phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phía Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi - Công tác truyền thông được xem là có vai trò hết sức quan trọng đối với kết quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở địa bàn TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An nói riêng và cả nước nói chung.

Ngày 23/8, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có văn bản gửi tới các cơ quan truyền thông về việc tăng cường hiệu quả trong phối hợp chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội.
Cụ thể, các cơ quan báo chí, truyền thông được yêu cầu tập trung tuyên truyền nổi bật các giải pháp của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền TP; Nỗ lực của TP chăm lo đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, đặc biệt ở tầng lớp người nghèo, người lao động tự do...; Nhấn mạnh sự tăng cường tham gia của quân đội, công an, các lực lượng khác là để cùng TP Hồ Chí Minh hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ Nhân dân vượt qua khó khăn của đại dịch.
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Không đăng tải các dự báo thiếu căn cứ về các nguy cơ. Đấu tranh, phản bác kịp thời các thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng. Cơ quan báo chí có sai sót khi đăng tải thông tin thì phải đính chính ngay. Không giật tít tin, bài theo kiểu dạng nghi vấn, lửng lơ dễ gây suy diễn, hiểu theo hướng tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch, tránh thông tin những hiện tượng cá biệt, đơn lẻ, không phản ánh bản chất tình hình chung...
Tập trung thông tin về những nỗ lực trong công tác điều trị và các kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào điều trị, các loại thuốc hỗ trợ điều trị đang phát triển và thử nghiệm thành công trong nước, tiến độ nhập, phân phối và tiêm vaccine gắn với việc thiết lập các vùng an toàn với F0 (được hiểu là các vùng đã được tiêm vaccine đối với đại bộ phận dân cư).
Về phía các mạng xã hội trong nước, trang tin điện tử tổng hợp tham gia tích cực vào việc lan tỏa các thông tin hữu ích, thiết thực giúp các ngành, các cấp và người dân chống dịch hiệu quả, biết cách làm cụ thể để đảm bảo được các nhu cầu thiết yếu về ăn uống, sinh hoạt, giữ gìn sức khỏe, tự bảo vệ bản thân và gia đình. Tổ chức sử dụng các nền tảng zalo, viber... thông báo rộng rãi, ngắn gọn các chính sách để giúp người dân yên tâm thực hiện.
Dùng những cơ chế phối hợp đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật để xử lý, bóc gỡ triệt để tin giả, tin xuyên tạc, bóp méo các quan điểm, phương pháp chống dịch, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý Nhân dân và ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chống dịch, ổn định xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng có một số yêu cầu đặc biệt đối với công tác truyền thông liên quan đến TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Theo đó, tất cả thông tin trên báo chí (báo in, điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh) có liên quan tới những địa phương này đều phải được đăng phát hết sức thận trọng. Đặc biệt lưu ý việc sử dụng tít bài phù hợp, lựa chọn ảnh, video clip, không giật tít tin, bài nghi vấn liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Tuyệt đối không khai thác lại mà không kiểm chứng, xác minh đối với những chất liệu chỉ xuất hiện trên mạng xã hội. Tránh thông tin những hiện tượng cá biệt, không phản ánh bản chất tình hình chung.
Đại diện Tổ công tác đặc biệt về thông tin, tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT tại TP Hồ Chí Minh có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan báo chí tháo gỡ những tin, bài, hình ảnh nếu thấy không phù hợp với yêu cầu của công tác chống dịch. Khi nhận được yêu cầu, các cơ quan báo chí phải thực hiện ngay, không quá 10 phút từ lúc nhận được yêu cầu.
Khi phát hiện những vấn đề bất cập trong quá trình tác nghiệp, phóng viên cần cung cấp ngay cho Tổ công tác để phối hợp với TP, chính quyền địa phương đưa ra nhanh nhất phương án truyền thông phù hợp, không làm nóng vấn đề.
Tăng cường sử dụng hệ thống loa truyền thanh, hệ thống loa di động.... để thông báo ngắn gọn các chính sách, đặc biệt là các thông tin, chính sách cụ thể giúp an dân (như: Lịch chuyển, cách chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm, thuốc đến người dân, các biện pháp chăm sóc F0 ở nhà, các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng xã, phường…).
Đối với thông tin đối ngoại cần tập trung tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài về những biện pháp quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nhằm kiểm soát thành công sự lây lan của dịch bệnh, giảm thiểu các ca tử vong, điều trị thành công cho các bệnh nhân Covid-19.
Tăng cường thông tin cho người nước ngoài tại Việt Nam để họ hiểu, thực hiện và không gặp nhiều khó khăn trong công việc, giải quyết được các nhu cầu thiết yếu và chăm sóc sức khỏe. Nêu bật các kết quả tích cực trong công tác kiểm soát dịch, giảm tỷ lệ tử vong ở Việt nam, cũng như những khó khăn cần sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ngoại giao vaccine.
Đối với các doanh nghiệp viễn thông cần tiếp tục thực hiện việc nhắn tin SMS, gửi thông điệp qua nhạc chờ và qua các hình thức khác đối với người dân khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để gửi các thông tin, khuyến cáo ngắn gọn, quan trọng cần người dân biết và tuân thủ thực hiện.
Đối với các đơn vị Công nghệ thông tin - An toàn thông tin thực hiện việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ tập hợp, phân tích, đánh giá tình hình công tác phòng chống dịch, “lắng nghe” các ý kiến phản hồi, phản biện về các biện pháp, chiến thuật chống dịch cụ thể cần có điều chỉnh để phù hợp tình hình thực tế. Tổng hợp có chọn lọc các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, bà con Việt kiều ở nước ngoài để cung cấp cho báo chí, truyền thông và tham mưu điều chỉnh chính sách, chiến thuật, giải pháp chống dịch.
Theo dõi thông tin trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, thống kê các dòng thông tin chính trong từng giờ, từ đó xác định sớm các dòng thông tin, các hướng khai thác thiếu tích cực, không có lợi chung để góp ý điều chỉnh ngay. Xác định được các xu hướng thông tin đang “nóng” hàng giờ để điều chỉnh, có phương án sử dụng truyền thông, báo chí để định hướng ngay.