Tăng cường tuyên truyền chế định Thừa phát lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/10, UBND TP Hà Nội tổ chức họp Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế...

Kinhtedothi - Sáng 28/10, UBND TP Hà Nội tổ chức họp Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế định TPL trên địa bàn thành phố. Tham dự và chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, đại diện Bộ Tư Pháp cùng các sở, ngành TP.

Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Hồ Xuân Hương cho biết, đến nay trên địa bàn thành phố đã thành lập được 8 văn phòng TPL, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông… với 35 người và 80 thư ký nghiệp vụ.

Sau 7 tháng đi vào hoạt động, một số văn phòng TPL đã chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp, UBND quận, huyện, xã, phường tổ chức tuyên truyền giới thiệu về TPL và các văn phòng TPL trên địa bàn. Sở Tư pháp đã biên soạn, in và phát hành 275.000 tờ gấp tuyên truyền về TPL, đồng thời cùng UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền về chế định TPL. Bên cạnh đó, sở còn tổ chức được 2 đợt tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho 100 học viên là các TPL và thư ký nghiệp vụ.

 
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Qua đó, văn phòng TPL Hoàn Kiếm, Hai bà Trưng, Ba Đình đã làm tốt việc lập Vi bằng, Tống đạt quyết định của Tòa án và Tống đạt quyết định của cơ quan Thi hành án. Ngoài những mặt đã đạt được, trong quá trình triển khai thí điểm chế định TPL còn gặp một số khó khăn như các văn phòng TPL lúng túng trong việc lập vi bằng, chưa xác định được bản chất của vi bằng, chưa ký hợp đồng với Tòa án theo địa hạt…

Trưởng văn phòng TPL Hoàn Kiếm Nguyễn Toàn Thắng bộc bạch: “TPL là chế định mới nên người dân chưa hiểu, chưa quen sử dụng dịch vụ khiến quá trình triển khai ban đầu chưa đạt được kết quả như đề ra. Khi đại diện văn phòng TPL đến liên hệ công việc với các cơ quan chức năng chưa nhận được sự phối hợp, hỗ trợ. Chi phí cho việc tống đạt văn bản còn thấp so với chi thực tế hiện nay. Số văn phòng TPL còn hạn chế so với diện tích địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của thành phố. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng để TPL đến được với người dân. Để các văn phòng TPL hoạt động đạt hiệu quả, nhà nước cần điều chỉnh cho phù hợp hơn, tránh để tình trạng va chạm trong lĩnh vực công chứng của các văn phòng công chứng và việc chứng thực tại các xã, phường với các văn phòng TPL”.

Về vấn đề này, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội Tạ Quốc Hùng cho rằng: “Các văn phòng TPL muốn làm tốt công việc của mình trong thời gian thí điểm cần phải tập huấn để nâng cao nghiệp vụ cho các TPL và Thư ký nghiệp vụ. Bên cạnh đó, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Các cấp, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để giám sát hoạt động của các văn phòng TPL. Đồng thời, chỉ đạo ngành dọc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho TPL để TPL thực hiện tốt công việc, như: Tống đạt quyết định, lập vi bằng, xác minh thông tin…Trường hợp thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các văn phòng TPL thì  thời gian thí điểm chế định TPL sẽ khó đạt được kết quả như mong đợi”.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn yêu cầu: “Thời gian tới, Sở Tư Pháp nghiên cứu tham mưu cho UBND TP giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về sự thiếu phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn và việc bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động của các văn phòng TPL. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất về hoạt động của các văn phòng TPL để nắm bắt thông tin kịp thời, báo cáo Ban chỉ đạo thí điểm chế định TPL đưa ra hướng xử lý. Đồng thời, lập kế hoạch tổ chức họp giao ban các thành viên Ban chỉ đạo hàng tháng. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, cụ thể, sát sườn với đời sống của người dân hơn nữa để người dân hiểu và thay đổi nhận thức về chế định TPL”.