Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội

Tăng cường tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Tư pháp Thủ đô đặt ra trong năm 2023, đó là tập trung đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông qua nhiều hình thức mới, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…

Đổi mới công tác tuyên truyền PBGDPL

Năm 2022, ngành Tư pháp Thủ đô đã nỗ lực hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra và nhiều nhiệm vụ được giao thêm bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đặc biệt, công tác thẩm định dự thảo văn bản đã phát huy được thế mạnh qua việc xem xét, phân tích, sàng lọc kỹ trước khi trình cơ quan có thẩm quyền. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý ở cơ sở đã được tổ chức với nội dung thiết thực, cách làm đổi mới, góp phần nâng cao nhận thức pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế.

Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội
Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2023, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, Hà Nội xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát VBQPPL; tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); tập trung đổi mới công tác tuyên truyền PBGDPL thông qua nhiều hình thức mới, phát huy mô hình hiệu quả, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đẩy mạnh các biện pháp thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến các Luật, Pháp lệnh mới được Quốc hội thông qua, các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp; quan tâm phổ biến những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội, những nhiệm vụ chính trị của thành phố…

Nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư, hộ tịch, quốc tịch

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn, trong công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước, trong năm 2023, Hà Nội sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, nhất là các kỹ năng trong việc giải quyết, xử lý các tình huống và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch cho công chức.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) tuyên truyền pháp luật phòng, chống xâm hại; phòng, chống bạo lực trẻ em tại trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng)
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) tuyên truyền pháp luật phòng, chống xâm hại; phòng, chống bạo lực trẻ em tại trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng)

Đồng thời, hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch để phục vụ nhân dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch theo quy định. Đảm bảo kết nối, liên thông giữa cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch với cơ quan công an trong quản lý và khai thác các thông tin, dữ liệu về hộ tịch, dân cư.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hộ tịch, quốc tịch và chia sẻ thông tin, phân quyền truy cập thông tin và phối hợp khai thác thông tin giữa các cơ quan: Công an, Tư pháp, Ngoại giao và các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, hộ tịch, quốc tịch. Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm liên thông chia sẻ thông tin, phối hợp liên ngành chặt chẽ, kịp thời.

Cùng với đó, tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đẩy mạnh ký số để giảm việc lạm dụng bản sao giấy và kiểm tra thông tin phát hiện giấy tờ giả. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về kỹ năng giải quyết hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi. Tiếp tục triển khai sâu rộng việc cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP qua mạng trực tuyến. Về thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực LLTP, sẽ thực hiện việc tiếp nhận và cấp Phiếu LLTP trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vục công thành phố.

Trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sẽ tăng cường việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện có hiệu quả, duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã được ban hành áp dụng. Tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến các thủ tục: khai sinh, khai tử, kết hôn; cấp phiếu LLTP và các thủ tục trong danh mục 25 dịch vụ công kèm theo Đề án số 06 và mở rộng rà soát, thực hiện các TTHC lĩnh vực tư pháp có đủ điều kiện tái cấu trúc, xây dựng quy trình điện tử.