Tăng đầu tư, thêm sản phẩm dịch vụ cho nông nghiệp nông thôn

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/9/2018, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam phối hợp với Hiệp hội tín dụng nông nghiệp nông thôn Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức hội thảo với chủ đề “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo - Kinh nghiệm của Việt Nam” nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực tài chính nông nghiệp, nông thôn cho người nghèo tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ kinh nghiệm của Agribank tại Hội thảo
Trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, nông nghiệp được coi là nền móng cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế và việc phát triển một thị trường tài chính nông thôn là vô cùng quan trọng. Tài chính nông nghiệp nông thôn là việc cung cấp các sản phẩm tài chính bao gồm tiết kiệm hoặc gửi tiền, thanh toán và chuyển tiền, tín dụng và bảo hiểm. Trong đó hoạt động tín dụng giữ vai trò nòng cốt để tạo nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ông Prasun Kumar Das - Tổng Thư ký Hiệp hội các tổ chức tín dụng Châu Á - Thái Bình Dương (APRACA) – Trưởng đại diện Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực vào phát triển tài chính nông nghiệp, nông thôn để mang lại sự phát triển toàn diện trên toàn quốc và đã tuân thủ các nguyên tắc của các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
APRACA đang hỗ trợ hai ngân hàng (Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) xây dựng năng lực để đạt các mục tiêu đó thông qua trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức khác, thông qua thăm quan các mô hình thành công nhất và đào tạo cán bộ.
Phát biểu tham luận về chủ đề “Đổi mới trong tài chính nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam”, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng đề cập tới kết quả đổi mới trong tài chính nông nghiệp, nông thôn của Agribank: Đổi mới về cơ cấu đổi mới về cơ cấu tổ chức phục vụ nông nghiệp, nông thôn, thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo, Ngân hàng Phục vụ người nghèo - tiền thân của Ngân hàng Chính sách Xã hội; Chủ động đề xuất và triển khai các cơ chế, chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn, tích cực triển khai chương trình, chính sách của Chính phủ, NHNN;
Đổi mới phương thức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua Tổ vay vốn trên cơ sở hợp tác với các tổ chức đoàn thể xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các Hội khác ở nông thôn; Đổi mới về phương thức tổ chức phục vụ hộ nông dân ngày càng thuận tiện, tiết giảm chi phí thông qua thành lập Ngân hàng lưu động; Chủ động xây dựng nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, góp phần bảo vệ an toàn người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu mặt hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế; Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tiếp cận, giải ngân và phục vụ các dự án nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm với các hiệp hội trong và ngoài nước; Chủ động đối mặt và có giải pháp kịp thời trước rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu, triển khai gói sản phẩm bảo hiểm trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phượng cũng đề cập tới những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến tài chính nông nghiệp, nông thôn như đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn còn hạn chế, đầu tư công cho khu vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, dàn trải chưa đáp ứng được nhu cầu. Vốn đầu tư tư nhân ít, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng dưới 2%), chủ yếu là DN vừa và nhỏ;
Quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún, năng lực sản xuất hạn chế, đầu tư thiếu đồng bộ, máy móc thiết bị sản xuất, chế biến chậm đổi mới; cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ; Sản xuất nông nghiệp thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiếu minh bạch,... khả năng xảy ra rủi ro lớn; Thị trường bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp tham gia còn hạn chế; Công tác quy hoạch theo phong trào, sự tuân thủ quy hoạch thấp, chưa xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ dẫn đến thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa rớt giá…
Agribank kiến nghị tăng cường đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, các yếu tố đầu vào, trợ giá. Cùng với đó là xem xét mở rộng đối tượng đầu tư một số dự án tài trợ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng số lượng khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN cho rằng, từ kinh nghiệm của một tổ chức quốc tế trong hỗ trợ phát triển cho cộng đồng nghèo ở khu vực nông thôn tại các quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính, trong đó đặc biệt quan tâm các đối tượng dễ bị tổn thương (người nghèo nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo…) để hỗ trợ, giúp các đối tượng này tiếp cận tốt hơn, hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Thể chế chính sách và những thông lệ tài chính tốt nhất có thể giúp Việt Nam huy động và phân bổ sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả trong công cuộc tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp cũng như xóa đói giảm nghèo; Hai là phương thức triển khai tại từng định chế tài chính trong cung cấp tài chính trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và cho người nghèo cần phát huy những gì đã có, cần phát huy cải tiến sáng tạo như thế nào để giúp nâng cao hiệu quả dòng vốn phục vụ nông nghiệp nông thôn, phục vụ người nghèo.
Sự liên kết giữa các định chế tài chính được Nhà nước khuyến khích cung ứng dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp nông thôn như thế nào? Trong thời gian tới, NHNN cũng sẽ tiếp tục xác định nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực ưu tiên. NHNN cũng sẽ tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm hỗ vốn cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp nông thôn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần