Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng đối thoại để hiểu dân

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học tập, làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng trọng dân, gần dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân, Hà Nội đã đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Qua đó không chỉ góp phần tạo nên sự đồng thuận mà còn hiểu dân, tháo gỡ những khó khăn ngay từ cơ sở.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trong một buổi tiếp công dân. Ảnh: Nguyên Hạnh
Lắng nghe dân
Một nội dung lớn và căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh là về sức mạnh và quyền làm chủ của Nhân dân. Trong Di chúc (năm 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Trong Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Việc gì cũng phải “bàn bạc với dân chúng”, “tin vào dân chúng. Ðưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”. “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể lớn, nghĩ mãi không ra”.

Thảo luận, lắng nghe dân chính là phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, rất thực tế, khoa học và tránh được sự chủ quan, áp đặt có thể dẫn tới sai lầm, khuyết điểm hoặc tổn thất. Trong những năm qua, tư tưởng ấy đã được thực thi trong thực tế, mang lại những hiệu quả thiết thực. Lãnh đạo các cấp từ T.Ư đến các địa phương liên tục có các cuộc tiếp xúc, đối thoại với các tầng lớp Nhân dân, để lắng nghe thực tế, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc ở nhiều lĩnh vực dân sinh bức xúc.

Nhìn từ Hà Nội có thể thấy, để tăng sự hài lòng của người dân với các cơ quan công quyền, các địa phương đồng loạt vào cuộc với tinh thần đổi mới, cải cách mạnh mẽ. Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 2200-QÐ/TU về quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP. Trong đó, việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm; "cột" trách nhiệm người đứng đầu, giúp cho công tác đối thoại không còn hình thức, không làm chung chung. Qua đó, không chỉ thực hiện tốt quy chế dân chủ, mà cũng là cơ hội để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc.

Hiệu quả thực tiễn

Trên thực tế, nhiều năm nay, mỗi khi có vụ việc "nóng" phát sinh, lãnh đạo TP, đại diện các sở, ngành liên quan đã trực tiếp xuống địa bàn đối thoại cùng Nhân dân. 5 năm qua, cấp TP đã tổ chức 18 hội nghị tiếp xúc, đối thoại; cấp quận, huyện, thị xã tổ chức 96 hội nghị đối thoại định kỳ, 1.041 hội nghị đối thoại đột xuất; cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 1.454 hội nghị đối thoại định kỳ, 1.641 hội nghị đối thoại đột xuất… Tính riêng năm 2018, Hà Nội đã có 7 hội nghị đối thoại cấp TP; 29 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã và 582 trong tổng số 584 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị đối thoại. Ngoài ra, còn có các buổi đối thoại theo từng đối tượng, từng nội dung.

Hiện việc đối thoại với dân, lắng nghe dân đã trở thành nền nếp và tạo hiệu quả thực tế. Học Bác về tư tưởng trọng dân không còn là khái niệm chung chung và đã tạo ra những kết quả cụ thể mà người dân cảm nhận, thấy rõ được. Như tại huyện Thanh Trì, tại các buổi đối thoại với lãnh đạo huyện, người dân đã phản ánh từ những việc lớn như dự án khu đô thị mới Cầu Bươu bị quy hoạch treo 20 năm, công tác GPMB một số dự án chậm, đến những việc nhỏ như vệ sinh ngõ xóm, thu gom rác thải... Tại các buổi đối thoại ấy, lãnh đạo huyện đều trả lời, giải trình từng nội dung được đặt ra. Ðối với những vấn đề cần có thời gian để xác minh, làm rõ, giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết với thời gian cụ thể. Lời hứa từ người đứng đầu với dân đã tạo áp lực, buộc các cơ quan chuyên môn phải tập trung giải quyết vụ việc, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Từng kiến nghị của người dân được giải quyết tốt đã tạo đồng thuận từ cơ sở, giúp cho người dân tin tưởng vào chính quyền hơn.

Tại nhiều quận, huyện khác, hoạt động đối thoại với dân đã được "chuẩn hóa". Đối thoại không chỉ để được nghe khen, nói tốt, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, mà lãnh đạo các cấp luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều có tính phản biện cao. Đồng thời, việc kiên trì theo bám và giải quyết đến cùng, dứt điểm những kiến nghị của Nhân dân ngay từ cơ sở, đã tránh vấn đề nhỏ tích tụ thành bức xúc lớn. Việc học tập và làm theo Bác, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Hà Nội theo hướng trọng dân, gần dân, hướng về Nhân dân ấy đã góp phần rất lớn trong xây dựng Đảng và hệ thống chính quyền các cấp ở địa phương.