Nhiều hình thức tiếp dân
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến KNTC gia tăng là do tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, lãnh đạo “ngại” tiếp công dân, đối thoại với dân, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp. Bởi khi đó, người dân sẽ thiếu thông tin nên đôi khi có nhận thức sai lệch. Rồi cũng bởi nhiều nơi không coi trọng việc tiếp công dân, người dân phải ôm đơn thư đi lòng vòng, hết lên trên lại về cấp dưới, khiến khiếu kiện khó chấm dứt.Trong thời gian qua, các quy định pháp luật có liên quan đến công tác tiếp công dân đã từng bước được hoàn thiện. Theo quy định của Luật Tiếp công dân, tiếp dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện quyền KNTC, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định pháp luật. Luật cũng quy định chung và cụ thể đối với từng chức danh trong tiếp công dân.
Thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm lưu ý đến việc giải quyết quyền lợi cho dân, làm tốt việc đối thoại, tiếp dân thì nơi đó tình hình KNTC sẽ giảm. Bởi chỉ khi lãnh đạo cơ quan hành chính sẵn sàng đối thoại, lắng nghe và tìm hiểu cặn kẽ, mọi việc dù phức tạp mấy cũng dễ dàng nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của người dân.Hiện nay, các địa phương cũng đang tăng cường nhiều hình thức đối thoại với người dân, từ định kỳ đến đột xuất, theo vụ việc. Như tại Hà Nội, sau khi triển khai quy chế về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP, hiện việc tiếp xúc, đối thoại định kỳ đã trở thành nếp hàng năm. Đồng thời, lịch tiếp công dân được thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND TP và niêm yết công khai tại Trụ sở tiếp công dân để người dân biết. Lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan có trách nhiệm tham gia cùng tiếp công dân để giải quyết các kiến nghị, đề nghị của công dân. Đồng thời các phòng, ban phân công lãnh đạo, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân tại đơn vị để giải quyết các nội dung liên quan đến chuyên môn.Giúp xử lý các vụ việc phức tạpTheo đánh giá của UBND TP Hà Nội, các cấp, các ngành đã thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC. Trực tiếp lãnh đạo TP duy trì lịch tiếp công dân vào ngày thứ ba, tuần thứ ba hằng tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền KNTC; đồng thời lãnh đạo TP tiếp thu ý kiến công dân, chỉ đạo xem xét kết luận, quyết định giải quyết chính xác các vụ việc. Thống kê cho thấy, mỗi năm, các cơ quan hành chính của TP tiếp hơn 30.000 lượt công dân đến KNTC. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP cũng đã tiếp, đối thoại với nhiều lượt công dân, lắng nghe các đơn vị báo cáo để kịp thời giải quyết một số vụ việc KNTC đông người, phức tạp.Tại một số quận, huyện, đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp chuyên đề, mời công dân đến đối thoại, từ đó đề ra giải pháp từng bước tháo gỡ. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị còn trực tiếp đến nhà công dân có phản ánh, kiến nghị để nắm bắt tình hình, kiểm tra thực tế và chỉ đạo giải quyết.Chính làm tốt việc đối thoại, tiếp công dân, tình trạng khiếu kiện đông người trên địa bàn đã giảm. Qua việc giải quyết KNTC cũng đã trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, thu hồi kịp thời tiền, tài sản vi phạm cho Nhà nước. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, lãnh đạo TP luôn đặc biệc nhấn mạnh, các cấp, các ngành không được lơ là, phải chú trọng việc tiếp, đối thoại với công dân, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình KNTC ngay từ khi phát sinh tại cơ sở… không để phát sinh thành “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự.Khi việc đối thoại, tiếp công dân được coi trọng sẽ giúp xử lý được nhiều vụ việc nảy sinh, phức tạp ngay tại địa phương. Qua đó, hạn chế tình trạng khiếu kiện, KNTC vượt cấp, đồng thời xây dựng một chính quyền gần dân, nghe dân, hiểu dân, tạo đồng thuận trong xã hội.