70 năm giải phóng Thủ đô

Tăng giá sách giáo khoa: Ảnh hưởng đến hàng triệu phụ huynh học sinh

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục đã chính thức tăng giá bán sách giáo khoa (SGK) trong năm học 2019 - 2020, dù trước đó chưa đầy một tháng, đại diện của NXB này khẳng định, sẽ không tăng giá SGK trong năm học tới theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

 Giá bán bộ SGK từ lớp 1 tới lớp 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1.000 - 1.800 đồng/cuốn
Nhà xuất bản nói “hai lời”
Tối 29/3, trang web của NXB Giáo dục Việt Nam đăng tải thông cáo báo chí về việc điều chỉnh giá SGK trong năm học 2019 - 2020. Theo đó, với phương án đã được phê duyệt, giá bán bộ SGK từ lớp 1 tới lớp 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1.000 - 1.800 đồng/cuốn. Đơn vị này giải thích rằng, giá SGK trong suốt 8 năm qua không thay đổi, còn các chi phí đầu vào như phí nhân công, nguyên liệu, vận chuyển đều tăng. Điều này khiến cho hoạt động xuất bản, phát hành SGK của NXB Giáo dục Việt Nam bị lỗ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cũng trên trang web của NXB Giáo dục Việt Nam, ngày 6/3, đơn vị này đã đăng tải thông tin triển khai kế hoạch phục vụ năm học 2019 – 2020, trong đó khẳng định giá bán SGK năm học 2019 - 2020 vẫn được giữ nguyên như năm học trước. Trước đó, đơn vị này đã có đề xuất tăng giá bán SGK thêm 30%.

Ở khía cách khác, theo đại diện của NXB Giáo dục Việt Nam, báo cáo tài chính được kiểm toán, hoạt động kinh doanh SGK năm 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 38 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 50 tỷ đồng. Tại kế hoạch phục vụ năm học 2018 - 2019, NXB Giáo dục đã chuẩn bị phát hành 108 triệu bản. Như vậy, với mức tăng giá từ 1.000 - 1.800 đồng/cuốn thì nguồn thu của đơn vị sẽ tăng từ 100 - 108 tỷ đồng, gấp đôi con số mà đơn vị này “kêu” lỗ. Mặt khác, trên thực tế, NXB Giáo dục không chỉ kinh doanh một mặt hàng là SGK. Mỗi năm, đơn vị này xuất bản trên 3.000 đầu sách với lượng in và phát hành 250 triệu bản, cùng với các sản phẩm, thiết bị, đồ dùng giáo dục khác.

Phụ huynh bất bình

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, việc tăng giá SGK sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng là học sinh và phụ huynh học sinh. Thoạt nhìn, số tiền tăng giá mỗi cuốn sách không lớn nhưng tính cả bộ SGK sẽ tăng lên vài chục nghìn đồng. Với các hộ gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa, vài chục nghìn đồng cũng là lớn, nhất là khi phải lo toan nhiều khoản thu đầu năm học khác.

Chị Lê Quỳnh Liên (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, với chị, việc tăng giá SGK không ảnh hưởng nhiều đến gia đình chị nhưng sau sự việc này chị thấy mất niềm tin với ngành giáo dục khi chỉ trong một thời gian ngắn đã quyết định thay đổi quyết định “từ không thành có” một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến cả xã hội.

“Tôi được biết thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đồng nghĩa sẽ có SGK mới thay thế SGK hiện hành. Do vậy, việc tăng giá sách tại thời điểm này là không hợp lý” - chị Liên bức xúc.

Chống độc quyền sách giáo khoa

Nhớ lại, đầu năm học 2018 - 2019, NXB Giáo dục đã để xảy ra tình trạng thiếu SGK các lớp đầu cấp với lời giải thích rằng do lượng học sinh tăng lên đột biến và chỉ in theo số lượng đăng ký để tránh tồn kho. Đầu năm 2019, NXB này lại “âm thầm” tăng giá SGK khi chưa được sự đồng ý của Bộ GD&ĐT. Từ những sự việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, chính tình trạng độc quyền SGK của NXB Giáo dục Việt Nam khiến đơn vị này “dễ dàng” làm theo ý mình.

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định, độc quyền SGK dẫn đến việc những cá nhân, tổ chức “bắt mối” với nhau để hưởng lợi. Với cơ chế này, mọi cải cách, thay đổi của SGK sẽ bị gạt đi và việc tiếp nhận xu thế thế giới cũng giảm rõ rệt. Độc quyền SGK khiến nhà xuất bản duy nhất sẽ thao túng thị trường sách. Một khi không có cạnh tranh, SGK khó phát triển và đương nhiên học sinh chịu thiệt. Về vấn đề này, tại cuộc họp giao ban với các lãnh đạo bộ, ngành thuộc khối GD&ĐT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu cần tách bạch khâu biên soạn nội dung với khâu in ấn, phát hành SGK để tránh tình trạng độc quyền.

Người dân hy vọng rằng, thời gian tới, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK mới, tình trạng độc quyền SGK sẽ được xóa bỏ, từng bước tiến tới một chương trình nhiều bộ sách như cách làm của nhiều nước trên thế giới.