Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng giảm theo ngày, dầu Brent ở mức 105,40 USD/thùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga ký sắc lệnh ngừng cung cấp khí đốt cho các quốc gia nếu không thanh toán bằng đồng Rúp, bất chấp việc Mỹ quyết định xả 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ, đã kéo giá xăng dầu hôm nay quay đầu tăng mạnh.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 1/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2022 đứng ở mức 100,87 USD/thùng, tăng 0,59 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 6/2022 đứng ở mức 105,40 USD/thùng, tăng 0,69 USD/thùng trong phiên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các chuyên gia nhận định, lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô gia tăng, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh ngừng cung cấp khí đốt cho các quốc gia nếu không thanh toán bằng đồng Rúp, đẩy giá dầu ngày 1/4 tăng mạnh.

Ngày 31/3, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu, để mua khí đốt tự nhiên của Nga, các nhà thầu phải mở tài khoản bằng đồng Rúp tại các ngân hàng Nga. Tài khoản này sẽ thanh toán cho các lô khí đốt được cung cấp từ ngày 1/4. “Nga sẽ tiếp tục đáp ứng nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp khí đốt với khối lượng và mức giá được ấn định theo các hợp đồng hiện có. Tuy nhiên, việc thanh toán bằng đồng Rúp của Nga là vấn đề bắt buộc và không thể thương lượng” - Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Giới phân tích cho rằng, quyết định trên của Nga có thể đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng cao, khi nhiều quốc gia không chấp nhận việc thanh toán bằng đồng Rúp và có động thái đáp trả bằng việc cấm hoặc hạn chế nhập khẩu dầu, khí đốt tự nhiên của Nga. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải tìm các nguồn cung thay thế để đáp ứng các nhu cầu trong nước, trong đó có dầu thô.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do thị trường lo ngại Mỹ và các nước phương Tây sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, khi đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có tiến triển. Ngược lại, đà tăng của giá dầu hôm nay cũng bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn và việc Mỹ xả thêm 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ quốc gia phần nào hạ nhiệt áp lực thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.

Ngoài ra, diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 ở Trung Quốc cũng dấy lên những lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu thô, qua đó góp phần hạn chế đà tăng của giá dầu.