Tăng hiệu quả truyền thông bảo vệ môi trường khi đồng hành cùng doanh nghiệp

Thạc sĩ Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT (Bộ TN&MT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bắt đầu được thực thi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò người dân, DN là vị trí trung tâm đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

Học sinh Hà Nội tham gia hưởng ứng trồng cây xanh bảo vệ môi trường do Công ty Vinamilk tổ chức trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng
Học sinh Hà Nội tham gia hưởng ứng trồng cây xanh bảo vệ môi trường do Công ty Vinamilk tổ chức trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng

Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững.

Hiệu quả trong công tác truyền thông

Phát huy được vai trò của các DN trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay. Các nguồn đầu tư, tài trợ, hỗ trợ của các DN dành cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng đa dạng, phong phú. Các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính đã được các DN quan tâm và áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.

Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng. Nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng lên; tạo được làn sóng về đầu tư xanh như năng lượng gió, mặt trời, điện rác…

Thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Bộ TN&MT, trong thời gian qua công tác truyền thông TN&MT đã được triển khai với rất nhiều các hoạt động đồng hành cùng DN trong công tác định hướng, hướng dẫn hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn quốc.

Đã có nhiều DN ký cam kết phòng chống rác thải nhựa, tái chế và tái sử dụng bao bì sau khi Bộ TN&MT phát động phong trào phòng chống rác thải nhựa; tiếp đó các thành viên trong Liên Minh tái chế Bao bì Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ nhằm chia sẻ mục tiêu, tầm nhìn và trách nhiệm trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam thông qua các hoạt động giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải.

Việc hỗ trợ các DN thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua các hoạt động, dự án, chương trình bảo vệ TN&MT và ứng phó với biến đổi khí hậu, các hoạt động trồng cây xanh, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, ra quân làm sạch biển… đã giúp tăng hiệu quả công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện điều kiện sống, sinh kế cho người dân.

Qua đó cho thấy, việc huy động DN tham gia, đồng hành, hỗ trợ, tài trợ vào các hoạt động bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng, đóng góp rất lớn vào sự thành công của các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kinh nghiệm cho Hà Nội

TP Hà Nội đã và đang tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng hiện đại, công nghệ cao và phát triển bền vững góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa; ô nhiễm môi trường không khí còn diễn ra thường xuyên gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô.

Hà Nội cũng đã thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề môi trường còn tồn tại trên địa bàn và bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực, cái thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và tạo niềm tin cho người dân.

Trong đó, sự phối hợp, kết nối của chính quyền các cấp với các DN đóng trên địa bàn là rất quan trọng để định hướng, hỗ trợ DN chuyển hướng đầu tư, áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, hiện đại, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, công nhân đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Hà Nội cần ưu tiên hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong việc tiếp cận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến; đồng thời ban hành bộ tài liệu về văn bản pháp luật, trong đó có đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường để nhắc nhở họ tuân thủ những quy định của pháp luật về môi trường, bởi mục tiêu quan trọng nhất của DN là lợi nhuận, nên trong nhận thức của họ, việc thực hiện quản lý môi trường là tốn kém và giảm lợi nhuận.

Cùng với đó, Hà Nội cần có những hành động thúc đẩy “Trách nhiệm xã hội DN” của các DN đối với môi trường. Đặc biệt là các nguồn đầu tư, tài trợ cho các hoạt động cải thiện, xử lý ô nhiễm môi trường nước, không khí, rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa; nâng cao nhận thức cộng đồng, xã hội, phát triển mảng xanh toàn TP… để hướng tới mục tiêu TP Hà Nội xanh, bền vững. Trong đó, các DN có thể tăng cường các nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua những dự án thực địa, chia sẻ và nhân rộng các thực hành DN bền vững, tham gia vào quá trình vận động chính sách và nâng cao uy tín của DN.

Với nguồn lực, vật lực và trách nhiệm xã hội ngày càng cao trong xu thế hội nhập hiện nay, việc thể hiện trách nhiệm xã hội của các DN cần được khuyến khích và đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội. Và điều này không thể thiếu vai trò của truyền thông. Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật đó.