Xử lý rác thải nhựa sử dụng một lần:

Tăng hiệu quả với những nhân tố mới

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tác hại của rác thải nhựa đối với con người, môi trường thiên nhiên đã được khuyến cáo bởi nhiều tổ chức y tế, sức khỏe.

Riêng tại TP Hà Nội, khối lượng rác thải nhựa sử dụng một lần cũng đang ngày càng tăng cao, do đó, các cơ quan của UBND TP đã và đang nỗ lực nhằm giảm thiểu loại rác thải này xuống mức thấp nhất.

Giảm rác thải từ đầu nguồn

Theo đánh giá của tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI 360), việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa đã tăng trưởng nhanh ở Việt Nam trong 30 năm qua. Năm 1990, mỗi người tiêu thụ trung bình 3,8kg nhựa/năm. Tới năm 2018, con số này đã tăng lên thành 41,3kg nhựa/năm. Rác thải nhựa chiếm 8 - 12% trong tổng số rác thải, khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ có 17% túi nhựa được tái sử dụng, 10% rác thải nhựa được tái chế. Một điểm đáng chú ý trong số liệu thống kê này là Việt Nam dù đang còn yếu trong khâu xử lý, tái chế rác thải nhựa nhưng lại có khối lượng sử dụng tương đương hoặc cao hơn các nước trong khu vực.

Thu gom rác thải trên phố Tràng Thi, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Thu gom rác thải trên phố Tràng Thi, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Đánh giá mức độ tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần có nguồn lớn từ các nhà bán lẻ, hệ thống thương mại, siêu thị, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCSTN&MT) - Bộ TN&MT đã phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi các DN tham gia Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nilon. Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Liên minh được kỳ vọng sẽ góp phần đạt mục tiêu giảm túi nilon dùng một lần trong tiêu dùng, bán lẻ. Đồng thời đóng góp tiến trình xây dựng lộ trình và thực hiện hoạt động giảm thiểu túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần tại cơ sở kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành và UBND TP Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc dự án “Giảm Ô nhiễm Rác nhựa với các giải pháp địa phương” (LSPP) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, Hà Nội là đô thị lớn, quá trình quản lý rác thải nhựa khá phức tạp. Do đó, bên cạnh việc giảm khối lượng rác thải nhựa sử dụng một lần từ người dùng, hoạt động thu gom, tái chế tại nguồn cũng phải được chú trọng. Giám đốc dự án LSPP cho rằng các hoạt động thông thường phi chính thức (thu gom đồng nát, ve chai) thực chất vẫn đang diễn ra hàng ngày, tuy nhiên, rác thải nhựa tái chế đó có đi đúng vào hệ thống tái chế hay không thì không ai có thể trả lời được.

“Do đó, chúng ta cần phân loại nhựa có thể tái chế thành nhóm, loại khác nhau. Đối với các loại rác thải có thể nối chuỗi ngay thì nối chuỗi cho đến hệ thống tái chế. Mặt khác, LSPP đang phối hợp với một số quận tại Hà Nội tiến hành phát triển hệ thống truy suất nguồn gốc bằng công nghệ, cụ thể định hình được nhựa phân loại sẽ được đưa đến đâu và khối lượng như thế nào”- bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

Nhân tố thay đổi

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu nguy cơ nói trên, có thể ví dụ như mô hình thí điểm phân loại rác 3R. Tuy nhiên, dự án này dần đi vào lãng quên dù từng được đặt rất nhiều kỳ vọng. Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, nguyên nhân dẫn đến giai đoạn Hà Nội thất bại trong thí điểm là do mô hình thu gom gặp vấn đề. Tại thời điểm đó, người dân dù đã sẵn sàng phân loại rác tại nguồn nhưng các công ty môi trường lại thu gom chung, dẫn đến hiệu quả dự án không cao.

Giảm thiểu rác thải nhựa là chủ trương lớn của Quốc gia, đến năm 2024, việc phân loại rác thải tại nguồn thành những loại chính sẽ được áp dụng, đi vào triển khai theo Luật Bảo vệ môi trường. Do đó sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho chính quyền các địa phương, đặc biệt là ở TP lớn như Hà Nội. Bởi vậy, cần phát triển thêm nhiều phương thức, mô hình thí điểm giúp các địa phương sớm hoàn thiện.

Đặc biệt, nhóm đối tượng trẻ tuổi, thanh niên, được đánh giá là những người sẽ tạo ra tác động lớn đến mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần. Bởi đây vừa là nhóm đối tượng đang hình thành thói quen dùng các sản phẩm nhanh, tiện dụng đóng gói bằng nhựa sử dụng một lần vừa là thế hệ kết nối giữa nhóm người lớn tuổi và lớp thiếu niên, nhi đồng kế cận.

“Chúng tôi gọi đây là nhóm “nhân tố thay đổi”, khi nhóm đối tượng này có thay đổi về nhận thức, hiểu được tác hại của rác thải nhựa sử dụng một lần, họ sẽ tham gia tích cực vào việc đảm bảo môi trường, hạn chế những nguy cơ phát sinh rác thải” - người đứng đầu LSPP cho biết.

Trong thời gian khoảng 6 tháng vừa qua, nhóm cộng tác viên lứa tuổi sinh viên đại học đã cùng với LSPP tham gia các hoạt động phát triển kế hoạch giảm thiểu nhựa dùng một lần đối với các tiểu thương, hàng quán cùng sự phối hợp của Hội Liên hiệp phụ nữ trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm và Bắc Từ Liêm. Song song với đó là các buổi Chủ nhật xanh, trên địa bàn TP và cho kết quả thu gom được hàng tấn rác thải nhựa sử dụng một lần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần