Tăng khả năng lưu thông cho các trục đường ven đê sông Hồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/2, Sở GTVT Hà Nội đã có buổi làm việc với các đơn vị tư vấn về phương án thiết kế cải tạo, mở rộng các tuyến đường ven đê sông Hồng đoạn từ cầu Long Biên - cầu Vĩnh Tuy và cầu Nhật Tân - đường Thanh Niên.

Mục tiêu của các dự án nhằm tăng khả năng thông hành của các phương tiện dọc tuyến đê, cải thiện điều kiện đi lại của người dân ra, vào nội đô.

Tăng tính kết nối

Theo đại diện Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) - đơn vị xây dựng đề án cải tạo tuyến đường từ cầu Long Biên tới cầu Vĩnh Tuy, đoạn đường có chiều dài khoảng 4,7 km, được tổ chức lưu thông theo 2 chiều. Dọc tuyến có nhiều điểm giao cắt, quay đầu xe phức tạp và là nguyên nhân của tình trạng ùn ứ, xung đột giao thông. Để cải tạo tuyến đường, dự án chia làm 2 hợp phần. Hợp phần thứ nhất, từ cầu Long Biên tới nút giao với đường Trần Hưng Đạo với chiều dài 2,5km; đoạn này sẽ được mở rộng thêm 2 làn xe trên diện tích hiện đang được sử dụng làm bãi dừng đỗ xe và vị trí hệ thống đường dây điện 110KV (sẽ được hạ ngầm trong quá trình thực hiện dự án). Tuyến được thiết kế 5 điểm quay đầu xe tại nút giao với các phố: Hàng Thùng, Lê Lai, Cầu Đất, Trần Hưng Đạo và cây xăng Bác Cổ.

 
Theo đề xuất sẽ xây dựng tuyến đường dài khoảng 6km nối từ nút giao Phú Thượng (cầu Nhật Tân) tới đường Thanh Niên. Trong ảnh: Đường Âu Cơ, quận Tây Hồ.	 Ảnh:  Mạnh Đỗ
Theo đề xuất sẽ xây dựng tuyến đường dài khoảng 6km nối từ nút giao Phú Thượng (cầu Nhật Tân) tới đường Thanh Niên. Trong ảnh: Đường Âu Cơ, quận Tây Hồ. Ảnh: Mạnh Đỗ

Hợp phần 2, dài 2,2km, bắt đầu từ nút giao Trần Hưng Đạo tới cầu Vĩnh Tuy. Theo đó, TEDI đề xuất phương án xây dựng cầu cạn có chiều dài khoảng 880m, với 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp, cũng trên diện tích bãi đỗ xe hiện tại, và nối từ Trần Hưng Đạo tới Bến xe Lương Yên. Diện tích đường còn lại từ Bến xe Lương Yên qua dốc Minh Khai tới cầu Vĩnh Tuy, mở rộng thêm 2 làn xe và được thiết kế, xây dựng giống với đoạn tuyến từ cầu Long Biên tới Trần Hưng Đạo.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Ban QLDA Đầu tư phát triển GTĐT (Sở GTVT) báo cáo về phương án kết nối giao thông từ cầu Nhật Tân tới đường Thanh Niên, lộ trình hướng vào Trung tâm hành chính Ba Đình. Theo đó, đơn vị này đề xuất xây dựng tuyến đường dài khoảng 6km nối từ nút giao Phú Thượng (cầu Nhật Tân) tới đường Thanh Niên. Lộ trình nằm ngoài đường chỉ giới thoát lũ, thuộc đê hữu sông Hồng, được thiết kế từ 4 - 6 làn xe chạy 2 chiều. Phương án xây dựng đường đi thấp, mục tiêu dài hạn hướng tới việc xây dựng cả đường trên cao, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ven đê, cũng như các phương tiện vận tải hành khách, xe trọng tải lớn... ra, vào các tuyến đường vành đai hiện đang được gấp rút xây dựng.

Phù hợp với xu thế phát triển

Thực tế cho thấy, những năm qua, việc tổ chức giao thông tại các tuyến đường dọc đê sông Hồng đã được cải thiện, tuy nhiên, vẫn còn không ít bất cập. Người dân sống ngoài đê muốn vào nội đô đều phải đi qua các cửa khẩu. Dù hệ thống đèn tín hiệu giao thông đã được bố trí đầy đủ nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Việc mở rộng cũng như phát triển mạng lưới giao thông ven đê, cụ thể là đoạn tuyến từ cầu Long Biên tới cầu Vĩnh Tuy sẽ làm tăng khả năng kết nối giao thương cho cư dân sống ven đê. Người dân khi muốn vào nội đô sẽ không nhất thiết phải di chuyển theo các trục đường xuyên tâm, thay vào đó có thể lựa chọn đi vào trung tâm TP từ nhiều hướng được thiết kế dọc tuyến đường mới. Điều này sẽ góp phần rất lớn vào việc giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, cũng như hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng giao thông khu vực ven đê. Thông qua nâng cấp, chỉnh trang, mở rộng mặt cắt tuyến đường, trong đó có việc hạ ngầm hệ thống dây cáp điện 110KV dọc tuyến, mỹ quan đô thị chắc chắn sẽ được cải thiện.

Trong khi đó, tuyến đường nối từ nút giao Phú Thượng (cầu Nhật Tân) tới đường Thanh Niên được xem là lời giải cho bài toán "giao thông đối ngoại", do đây là điểm kết nối với trục đường chạy xuyên suốt nối từ Sân bay Quốc tế Nội Bài (dự kiến năm 2014, lượng khách vào khoảng 50 triệu lượt) về trung tâm Thủ đô. Bên cạnh việc góp phần trực tiếp phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ven đê, tuyến đường sẽ tạo hành lang mới cho mở rộng phát triển kinh tế với các địa phương ven đô.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, các phương án sẽ được thiết kế chi tiết, đảm phù hợp với điều kiện cũng như quy hoạch chung của TP. Quá trình thực hiện cũng sẽ rất thận trọng. Ngoài yếu tố tăng tính kết nối giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, các dự án cũng sẽ đảm bảo về mặt mỹ quan đô thị và phù hợp với xu thế phát triển hạ tầng giao thông đô thị trong tương lai. Sở GTVT sẽ sớm có đề xuất lên UBND TP Hà Nội xin ý kiến về việc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần