Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.
|
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh với phóng viên bên lề phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội sáng 24/10.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đề xuất chưa thực hiện lộ trình tăng lương do ngân sách nhà nước chưa bố trí được, chứ không phải là không tăng lương. Nếu có điều kiện, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội cho thực hiện ngay.
“Việc thực hiện đúng lộ trình tăng lương cũng rất quan trọng, Chính phủ rất trăn trở, nhưng quả thực cân đối ngân sách năm nay rất khó. Nguyên nhân chính là từ sản xuất khó khăn, ngay cả sang năm chiều hướng cũng sẽ tiếp tục khó khăn. Nếu cân đối (khoản ngân sách cho tăng lương) ngay lập tức, khi mình không thực hiện được sẽ rất bị động cho ngân sách nhà nước”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đề xuất giãn lộ trình tăng lương chỉ đối với khu vực hành chính sự nghiệp, do ngân sách chi trực tiếp. Việc tăng lương của khu vực doanh nghiệp vẫn thực hiện theo lộ trình.
Trong điều kiện của doanh nghiệp hiện nay, có hai luồng quan điểm, một là phải tăng lương nhanh, mạnh hơn nữa. Một luồng quan điểm khác là nếu tăng nhanh quá sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp đang khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khẳng định Bộ này vẫn đề nghị Chính phủ thực hiện đúng lộ trình tăng lương ở khu vực doanh nghiệp.
Bộ đã soạn thảo và trình Chính phủ ba phương án tăng lương tối thiểu vùng. Trong đó phương án thấp nhất là mức lương vùng sẽ tăng tối thiểu 20%. Trước đó, Bộ đã đưa ra ba phương án tăng lương tối thiểu gồm: phương án 1, cao nhất là 2,7 triệu đồng (áp dụng cho vùng I); phương án 2, cao nhất là 2,5 triệu đồng và phương án 3 là 2,4 triệu đồng.
Cũng theo ông Phạm Minh Huân, một số doanh nghiệp đã đề xuất với Chính phủ lùi thời hạn tăng lương. Tuy nhiên, Bộ đã thuyết phục, phân tích với doanh nghiệp, đồng thời căn cứ trên bình diện chung, để đảm bảo đời sống cho người lao động, vẫn đề xuất giữ nguyên lộ trình tăng lương.
Hiện doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang áp dụng mức lương tối thiểu thống nhất, đối với vùng 1 là 2.000.000 đồng/ tháng; vùng 2: 1.780.000 đồng; vùng 3: 1.550.000 đồng; vùng 4: 1.400.000 đồng.
Theo lộ trình, Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp và thực hiện từ ngày 1/1/2013.