Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng lương tối thiểu: Doanh nghiệp đang rất khó khăn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/1/2018, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được tính từ lương và một số khoản phụ cấp khác, nên DN sẽ đội chi phí rất cao, thậm chí vượt quá khả năng chi trả.

Vì thế, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, đa phần các DN kiến nghị không tăng lương tối thiểu năm 2018.

Năm nào cũng tăng lương là không hợp lý

DN không muốn tăng lương còn bởi 10 năm qua, lương tối thiểu tăng liên tục và bình quân trên dưới 12%. Cơ sở để tăng lương là năng suất lao động, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chất lượng việc làm và tăng trưởng kinh tế của đất nước (GDP). Với tốc độ tăng GDP bình quân và mức tăng năng suất lao động, CPI như vừa qua mà năm nào cũng tăng lương là không hợp lý. “Chúng tôi đã trao đổi với 30 hiệp hội DN, trong đó có 16 hiệp hội DN nước ngoài và đều nhận được yêu cầu không tăng lương năm 2018. Chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo Hội đồng Tiền lương để phân tích. Quan điểm của chúng tôi là sẽ căn cứ vào phân tích của Hội đồng Tiền lương, đề xuất của DN và năng lực chi trả của họ để đề xuất mức phù hợp. Chúng tôi đồng ý lương tối thiểu hiện tại mới đáp ứng được trên 90% mức sống tối thiểu, nhưng như thế còn hơn không” - ông Phòng cho hay.

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải

Như bên đại diện cho chủ sử dụng lao động phân tích, theo thông lệ quốc gia, mức lương tối thiểu còn có một dư địa nữa là thương lượng tập thể. Ví dụ, thương lượng thưởng năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật. Nếu mức lương tối thiểu tăng cao như thời gian qua, dư địa này sẽ không còn. Nghị quyết của Chính phủ cũng nói rõ việc xem xét, điều chỉnh lương tối thiểu phải phù hợp với tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, khả năng của DN, đồng thời đáp ứng yêu cầu đối với một số ngành nghề. Trong thời điểm cạnh tranh gay gắt như hiện nay, DN chịu rất nhiều áp lực về thị trường, công nghệ, chi tiêu. Năm nào cũng tăng lương dẫn đến khó khăn nhiều hơn. 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có trên 61.000 DN thành lập mới, nhưng lại có tới 43.000 DN đóng cửa. Như vậy, cứ 3 DN ra đời thì có 2 DN giải thể, nên hoạt động của các DN rất mong manh. Nếu tăng lương tối thiểu, nhiều DN buộc phải cơ cấu lại sản xuất và sẽ giảm lao động. Vô hình chung, một số lao động được tăng lương nhưng số khác lại mất việc.

Cần sự tương tác giữa hai bên

Ông Phòng cho rằng, ngoài mức lương tối thiểu theo quy định, người lao động (NLĐ) có thể thương lượng với chủ sử dụng lao động để có mức lương phù hợp. Hiện tại, số NLĐ chịu tác động bởi mức lương tối thiểu không nhiều. Bởi có những DN trả lương cho NLĐ vượt nhiều so với mức lương tối thiểu. Đó là những ngành sử dụng công nghệ cao, không sử dụng nhiều lao động.

Lương tối thiểu tăng hay giảm chỉ tác động đến những DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản. Qua đây cho thấy, NLĐ cần ý thức trách nhiệm của mình với chủ sử dụng lao động và ngược lại. Nếu chủ sử dụng lao động có khả năng chi trả nhưng không tăng lương cho NLĐ thì đó là thiếu trách nhiệm. Nhưng nếu NLĐ thấy chủ không có khả năng chi trả mà cứ đòi lương cao hơn thì cũng không có trách nhiệm. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng cả hai bên (DN và NLĐ) cần tương tác và có trách nhiệm với nhau để duy trì hoạt động của DN; đồng thời chia sẻ những khó khăn DN gặp phải về môi trường kinh doanh và nâng cao tay nghề, ý thức kỷ luật lao động.

Trước việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 13,3%, ông Phòng cho biết, VCCI sẽ nghiên cứu kỹ mức này và sẽ trao đổi với chủ sử dụng lao động tại các hiệp hội DN, DN sử dụng nhiều lao động để điều chỉnh mức đề xuất cho phù hợp, song không thể cao quá như mức đề nghị đó.

Tôi khẳng định chưa bao giờ chủ sử dụng lao động lại yêu quý NLĐ như lúc này. Chủ sử dụng quan tâm đến NLĐ để họ yên tâm làm việc tại DN, đáp ứng được các yêu cầu về tăng năng suất lao động, giải quyết được các đơn hàng.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng