Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng lương và lời giải bài toán năng suất lao động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khi tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tăng giúp cho người lao động yên tâm làm việc, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, đời sống được cải thiện hơn.

Cải thiện kịp thời đời sống người lao động

Thực hiện Nghị định số 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được điều chỉnh tăng lương tối thiểu, mức bình quân 6%, tương ứng tăng 200.000 - 280.000 đồng, tùy theo từng vùng. Việc tăng lương lần này đã góp phần cải thiện đáng kể cho đời sống người lao động bởi hai năm qua (kể từ 1/7/2022 - 30/6/2024) họ ở trong giai đoạn khó khăn, dù rằng chỉ số giá tiêu dùng CPI trong ngưỡng cho phép.

May hàng xuất khẩu tại Công ty Vit Garment, Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
May hàng xuất khẩu tại Công ty Vit Garment, Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Theo các chuyên gia lao động, mức tăng lương tối thiểu 6% là sự nỗ lực của cộng đồng DN và cả của người lao động. Trước đó, người lao động có mong muốn tăng lương cao hơn để cải thiện đời sống tốt hơn nhưng điều đó còn phụ thuộc vào sức khỏe của DN cũng như nền kinh tế.

Trao đổi về câu chuyện tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024, Phó Trưởng Ban Chính sách và Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng: “Thứ nhất, mức tăng lương tối thiểu bình quân bốn vùng 6% là hài hòa. Thứ hai, mức tăng lương 6% tương xứng với vừa rồi cán bộ, công chức, viên chức được điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng; cũng là thực hiện theo lộ trình của Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm giảm dần sự chênh lệch tiền lương của người làm việc khu vực Nhà nước và khu vực DN”.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP, đa số các DN ngành dệt may Hà Nội đều thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội Hoàng Thanh Sơn thông tin, mặc dù các DN đã trả lương cao hơn mức Chính phủ quy định nhưng tất cả đều thực hiện tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với số tiền cao hơn cho người lao động. Năm nay đơn hàng dệt may đều đặn, bảo đảm việc làm cho người lao động nên tăng lương không ảnh hưởng đến DN.

Trong 2 năm không được tăng lương nên người lao động rất mong mỏi Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Khi được tăng lương thì đời sống của công nhân, người lao động đã ổn hơn trước và động viên họ làm việc năng suất hơn.

“Công ty chúng tôi đã thực hiện tăng lương tối thiểu 6% trên mức cơ bản. Theo đó, người lao động được tăng trung bình trên 300.000 đồng/tháng. Ngoài ra, người lao động còn được điều chỉnh tăng thêm tiền ăn, tiền thâm niên, đã góp phần động viên kịp thời cũng như gắn bó với công ty hơn”- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt - Pacific Nguyễn Tràng Huy chia sẻ.

Rõ ràng, với việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã cải thiện được một phần đời sống của người lao động, từ đó giúp họ có điều kiện để làm việc đạt năng suất, chất lượng hơn. Khi đời sống được bảo đảm, người lao động sẽ gắn bó với DN hơn, giúp cho DN giảm thiểu được chi phí tuyển mới lao động khi có người “nhảy việc” hoặc thiếu nguồn lao động.

Tăng lương gắn liền với năng suất lao động

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2020, bình quân mỗi năm tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt khoảng 5,29%. Tuy nhiên, mức tăng năng suất lao động này chưa đạt yêu cầu, vẫn thấp hơn các nước trong khu vực. Các chuyên gia lao động cho rằng, câu chuyện tiền lương và năng suất lao động luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau.

Một trong những nguyên tắc khi xây dựng tiền lương tối thiểu cũng như tiền lương, thu nhập của người lao động là tốc độ tăng tiền lương nói chung và tiền lương tối thiểu nói riêng phải luôn phù hợp, hài hòa với tốc độ tăng năng suất lao động. Năng suất lao động lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có từ phía người lao động là trình độ kỹ năng, thái độ và phong cách làm việc. Còn những yếu tố khác lại phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng lao động và cơ chế.

Theo Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng, để tăng năng suất lao động, thứ nhất, có những yếu tố quan trọng là thiết bị máy móc hiện đại và công nghệ tiên tiến. Thứ hai là cơ cấu nền kinh tế, Nhà nước đang có sự chuyển dịch đúng hướng từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; chuyển lao động từ khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động sang khu vực chính thức, có quan hệ lao động. Khi tốc độ công nghiệp hóa càng cao, dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn thì năng suất lao động sẽ càng cao. Điều này đòi hỏi Nhà nước có chính sách đầu tư, thu hút những DN có công nghệ tiên tiến, tạo ra số lượng sản phẩm lớn, có giá trị cao.

Để tăng năng suất lao động, một yếu tố quan trọng khác phải thực hiện là tăng cường quản trị của DN, quản lý khoa học, giảm bớt những bộ phận, nhân sự không cần thiết. Người sử dụng lao động bố trí cho người lao động làm công việc hợp lý để họ phát huy được năng lực, sẽ giúp DN không bị dư thừa lao động, không lãng phí, chồng chéo, góp phần tăng năng suất lao động. Về phía người lao động trong cơ chế thị trường cần phải làm việc với tâm thế trách nhiệm, ý thức kỷ luật cao, cộng với kỹ năng tay nghề đáp ứng nhu cầu DN.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao năng suất lao động, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel Vũ Thị Mai chia sẻ, Viettel chú trọng lựa chọn những nhân sự phù hợp trên cả 3 khía cạnh là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Tập đoàn cũng chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng những công nghệ mới nhất trong hoạt động sản xuất như AI, phân tích dữ liệu lớn. Bên cạnh đó, Vietttel có các cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và trao cơ hội phát triển cho người lao động.

 

Để tăng năng suất lao động trong thời gian tới, cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ bảo đảm trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình họ mà còn có khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng cũng như tiết kiệm cho tương lai. Cùng với đó, tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội; thực hiện chính sách phúc lợi nhà ở, trường học, bệnh viện.

Trong đó thực hiện đề án 1 triệu nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động, đi kèm với hạ tầng là trường học, bệnh viện và các tiện ích khác để người lao động thu nhập thấp có cơ hội được sở hữu căn nhà riêng. Cùng với đó, Nhà nước thu hút nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm, chất lượng, tuân thủ tính pháp luật cao để đóng góp nâng cao năng suất lao động quốc gia; luật hóa trách nhiệm trong chuỗi cung ứng của DN lớn...

TS Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam