Lương tăng bù vào đóng thuế
Kể từ 1/7, mức lương cơ sở hàng tháng đối với công chức, viên chức chính thức được điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng thay cho mức 1,49 triệu đồng. Đây là lần tăng lương thứ 13 trong vòng 19 năm trở lại đây và cũng là năm tăng lương cơ sở cao nhất.
Đối với người làm công ăn lương, nhận được tin tăng lương là niềm vui rất lớn. Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang vì đi kèm với việc tăng lương thì nhiều nhiều khoản chi phí khác cũng “té nước” tăng theo, như thực phẩm, dịch vụ, điện, nước… Đặc biệt, lương tăng đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ phải đối diện với tình trạng số thuế TNCN phải nộp sẽ tăng theo.
Cần rà soát lại những cơ chế, chính sách liên quan đến thu nhập của người hưởng lương cho phù hợp, đồng bộ, để việc tăng lương thực sự ý nghĩa. Nếu cứ tăng chỗ này lại thu chỗ kia thì chính sách sẽ bất nhất, thiếu đồng bộ, không hợp lý. Cần điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế TNCN, phải nâng lên khi tăng lương, rồi số bậc thuế nên thu gọn lại… Nếu vẫn áp mức thuế trong điều kiện hiện nay, lạm phát vẫn tăng không khéo sẽ trở thành tận thu, không phù hợp với từng đối tượng. TS Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.
Chị Nguyễn Thị Hoa (ở Hà Đông) hiện đang hưởng mức lương bậc 5, tương đương với mức lương trước tăng là 5.453.400 đồng/tháng. Sau khi tăng lương từ 1/7, chị Hoa được hưởng mức lương 6.588.000 đồng (tăng hơn 1,1 triệu đồng/tháng), cộng thêm một số khoản thù lao khác, nên lương thực nhận của chị xấp xỉ gần 30 triệu đồng/tháng. Trừ đi mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng, số tiền chị phải đóng thuế lọt vào khung trên 18 – 32 triệu đồng. Đồng nghĩa với việc chị phải đóng thuế 20%/thu nhập chịu thuế, tương đương khoảng hơn 2 triệu đồng). “Lương tăng cũng mừng, nhưng số tiền được và lại nhỏ hơn số tiền phải đóng nên cũng nản” – chị Hoa bày tỏ.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS chỉ ra, sở dĩ có nghịch lý trên là do nhiều quy định về thuế TNCN đã lỗi thời. Theo quy định, các bậc thuế trong biểu thuế TNCN quá dày, sát nhau, nên khi lương tăng thêm vài trăm ngàn thì người làm công ăn lương sẽ ngay lập tức phải đóng thuế tăng lên. Thậm chí, có những người trước đây chưa phải nộp thuế, nhưng khi tăng lương lại phải nộp thuế NTCN, có những người lại bị nhảy bậc đóng thuế từ thấp lên cao.
Cần sớm sửa đổi Luật thuế TNCN
Theo khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,67 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. So với thu nhập bình quân đầu người công bố năm 2006 chỉ ở mức 636.000 đồng (tăng 31,3% so với năm 2004 – thời điểm soạn thảo Luật thuế TNCN), thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm. Trong khi đó, Luật thuế TNCN được áp dụng từ năm 2007, sau 2 năm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần. Ngoài ra, bình quân mỗi người chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng 3,6 lần.
Đặt trong bối cảnh hiện nay thì Luật thuế TNCN đã bộc lộ sự lỗi thời cần xem xét và chỉnh sửa toàn diện. Việc giữ quy định về thuế TNCN sau nhiều năm khiến các gia đình thu không đủ chi nhưng vẫn phải đóng thuế. Hay việc các bậc thuế TNCN quá dày, sát nhau nên khi lương nhích lên vài trăm ngàn thì người làm công ăn lương có thể phải đóng thuế nhiều hơn. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng bị đánh giá là chưa theo kịp tốc độ tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và quyền lợi của người dân.
"Trong bối cảnh thời đại kinh tế số, chúng ta hoàn toàn có thể linh hoạt để điều chỉnh mức đóng thuế TNCN. Mức giảm trừ gia cảnh bản thân cần tăng lên 17 – 18 triệu đồng/mức cho người phụ thuộc tăng lên 8 – 9 triệu đồng thì mới đủ sống, không thể để định mức như bây giờ" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) nêu quan điểm, mức giảm trừ gia cảnh trong Luật thuế TNCN là quá lạc hậu so với thu nhập và chi tiêu hiện nay, đặc biệt là người dân ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ tính vào lạm phát khi nào cộng lại đến 20% mới điều chỉnh là không hợp lý. Trước hết, việc bào mòn thu nhập chỉ là một phần, còn mức sống bình quân của xã hội đã thay đổi là quan trọng hơn. Mức tính thuế chỉ dựa trên bào mòn của lạm phát cộng lại là không hợp lý. Vì vậy, cần thiết phải nâng mức giảm trừ gia cảnh cho cả người nộp thuế và người phụ thuộc. Đồng thời, cần xem xét giảm các bậc đóng thuế TNCN xuống còn 4-5 bậc và các bậc cũng phải giãn ra rõ rệt.
PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, Luật thuế TNCN đã được xây dựng, áp dụng trong thời gian dài dẫn đến con số tuyệt đối giảm trừ gia cảnh tính thuế lạc hậu. Nếu chờ lộ trình đến năm 2025 mới sửa Luật thuế TNCN là quá chậm trễ. Tình hình đã thay đổi rất nhiều, Luật thuế TNCN hiện nay chưa phản ánh được thực trạng cuộc sống. Mức khởi điểm chịu thuế rồi giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp. Luật thuế TNCN mà không phù hợp cũng không khuyến khích được những người tài năng cống hiến. Việc sửa đổi cần được đánh giá toàn diện và cân đối hài hòa trong điều chỉnh luật pháp có liên quan.