Mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Theo thống kê, tính đến hết năm 2021, trên toàn quốc đã có 70 bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức độ 4. Cùng với đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số dịch vụ công đủ điều kiện trung bình trên cả nước đạt 96%. Đây là con số rất ấn tượng nếu biết con số này ở năm 2020 mới chỉ là 30,85% và 10,76% của năm 2019. Hiện tại, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cả nước là khoảng 81.446 dịch vụ, chỉ riêng 2021 đã tăng 15.868 dịch vụ. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến đạt 29,80% tăng 6,82% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy có thể thấy, trong năm 2021, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được đẩy mạnh với sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra trong năm 2022 là tất cả các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thành đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 vẫn cần thêm rất nhiều nỗ lực. Trên thực tế có thể thấy việc đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính thông qua hình thức online mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân và DN, đặc biệt là công sức và thời gian được rút ngắn đáng kể.
Sau khi làm đăng ký khai sinh cho con thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến TP Hà Nội, chị Nguyễn Thu Trang (Đan Phượng) cho biết mình rất hài lòng với việc khai báo rất dễ dàng thông qua môi trường trực tuyến và chỉ cần đợi đúng ngày hẹn là có thể ra lấy đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian đi lại so với trước đây.
Về phía DN, nhiều ý kiến cho biết rằng dịch vụ công trực tuyến đã giúp đơn giản hóa những thủ tục mà trước đây phải mất vài tháng thì nay chỉ cần 1 - 2 tuần là có thể hoàn thành. Anh Lương Minh Quang, chủ một đơn vị kinh doanh đồ gia dụng trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đơn cử như việc đăng ký thành lập DN, nếu như trước đây thường mất khoảng hơn một tháng mới có thể hoàn thành các thủ tục, thì nay mọi thứ đều có thể làm online và chỉ mất tối đa 7 ngày.
Tuy nhiên, trong quá trình người dân, DN tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn một số bất cập nhất định. Một trong những vướng mắc chủ yếu là thủ tục quá rườm rà, không có nhiều khác biệt so với trước đây.
Anh Hoàng Văn Lâm (Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh, cách đây 3 tháng gia đình anh muốn xây nhà và tìm hiểu xin giấy phép xây dựng trên cổng dịch vụ công của TP nhưng thấy quá phức tạp và không tiện lợi. Theo đó thủ tục đi kèm bắt phải scan bản vẽ thiết kế, báo cáo thẩm định… Chính điều này đã khiến anh Lâm mang hồ sơ ra tận phường để thực hiện thay vì làm trực tuyến.
Ngoài ra, các yếu tố như dịch vụ công bị nghẽn mạng hoặc lỗi kĩ thuật, cán bộ không thể nhập dữ liệu vào hệ thống qua đó khiến người dân phải chờ lâu; các thao tác quá phức tạp trong khi người dân không phải ai cũng có thể thích ứng nhanh với công nghệ, thậm chí là việc giải quyết hồ sơ ở nhiều nơi chưa thực sự minh bạch… là những rào cản khiến nhiều người dân chưa thực sự mặn mà với mô hình giải quyết thủ tục hành chính đầy tiện lợi này. Do đó, để nâng cao mức độ hiệu quả cả về công nghệ lẫn giải pháp, đồng thời thu hút được hơn nữa người dân sử dụng cũng như tiết kiệm tối đa chi phí có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần chuyển giao một phần dịch vụ công trực tuyến cho DN tư nhân thực hiện.
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Nguyễn Phú Tiến cho rằng, tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã mở đường cho hướng đi này. Theo đó, cơ quan Nhà nước được khuyến khích và tạo cơ chế để thuê dịch vụ hoặc hợp tác theo phương thức công tư với DN công nghệ số phát triển các dịch vụ phát triển Chính phủ số.
“Mặc dù hiện tại hầu hết các dịch vụ công trực tuyến đều do Nhà nước triển khai, tuy nhiên vẫn đang có sự góp mặt của DN. Tiêu biểu là dịch vụ bưu chính, thanh toán trực tuyến, thuế, hải quan… Từ đó người dân, DN có thể thông qua chính DN để giải quyết các thủ tục hành chính”- ông Nguyễn Phú Tiến chia sẻ thêm.
Hợp tác công tư: Nhiều bên có lợi
Trên thực tế, vài năm trở lại đây, vai trò của DN đã xuất hiện ngày càng rõ ràng và mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ giảm tải được gánh nặng cho Nhà nước mà còn tạo điều kiện cho DN có cơ hội đầu tư, cạnh tranh và phát triển để từ đó có các dịch vụ công trực tuyến tốt hơn, tiện lợi hơn nhưng chi phí lại rẻ hơn.
Nhận định trên có thể thấy rõ qua lĩnh vực thanh toán trực tuyến, với 14 hạng mục trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đã có sự tham gia của 15 ngân hàng và các đơn vị trung gian thanh toán. Theo đó, người dân và DN có thể nộp bảo hiểm, thuế đất, tiền điện, thuế DN… bằng cách chuyển khoản hoặc quét mã QR thông qua ứng dụng di động vô cùng tiện lợi.
Đáng chú ý, phương thức thanh toán này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, DN, Nhà nước mà cũng tạo ra nguồn thu cho các đơn vị trung gian thanh toán. Được biết, tổng số tiền được thanh toán qua Cổng dịch vụ công Quốc gia để hiện tại đã vượt qua con số 258 tỷ đồng. Số lượng giao dịch trực tuyến các thủ tục hành chính công tại các ngân hàng như Vietcombank, HDBank... cũng đang có mức tăng trưởng mạnh trên 50%/năm.
Chỉ tính riêng trong tháng 6 - 7/2021, giữa giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có tới hơn 7.000 giao dịch cho dịch vụ công trực tuyến được thực hiện thành công với tổng số tiền là 25 tỷ đồng. Con số này gấp nhiều lần so với 5 tỷ đồng/tháng mà các giao dịch tương tự có được trong giai đoạn từ tháng 3 - 8/2020. Đồng thời, chính việc bắt tay công - tư này đã giúp việc thanh toán không dùng tiền mặt tiến sâu hơn nữa vào mọi mặt của cuộc sống từ y tế, giáo dục, cho đến viễn thông, thuế… Đây cũng chính là tiền đề để đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu một Việt Nam không sử dụng tiền mặt.
Việc mở cửa cho tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công cho xã hội sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho Nhà nước. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa, tư nhân hóa các dịch vụ công để tận dụng sự năng động, mạnh mẽ của khối tư nhân.
Trong bối cảnh hiện nay Nhà nước nên tạo điều kiện để tư nhân phát triển, thay vì là người chèo đò cần chuyển thành người lái đò. Nhà nước chỉ nên đứng ra để đảm bảo năng lực của các DN, bảo đảm an toàn dịch vụ, thúc đẩy cạnh tranh cũng như đưa ra các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm chuẩn mực cho tư nhân cung ứng dịch vụ công.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - TS Vũ Tiến Lộc
Khi DN tư nhân tham gia cung ứng các dịch vụ công sẽ giảm được nhiều chi phí, thời gian chờ đợi giảm đi rất nhiều và đem lại sự hài lòng về chất lượng, cũng như hạn chế được nạn tham nhũng. Đối với cơ chế, chính sách cho việc đầu tư này cũng cần được thực hiện công khai, minh bạch thì sẽ thu hút được sự tham gia tích cực của DN tư nhân.
Giám đốc Dự án USAID WISE Phan Vinh Quang