Cảnh sát giao thông ghi biên bản xử phạt lái xe vi phạm luật giao thông. Ảnh: Chiến Công |
Khi thảo luận Dự Luật này, nhiều ĐB cho rằng, so với Luật hiện nay, Dự Luật đã tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực và sửa đổi tên của 7 lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn nên nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa với tất cả lĩnh vực để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của nhóm hành vi vi phạm, tăng tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, phải bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và được xử lý nghiêm minh.
Đi vào từng lĩnh vực cụ thể, các ĐB ví dụ, mức phạt trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, nhất là đối với các hành vi xâm phạm quyền của cá nhân về bảo vệ thông tin cá nhân cần được nâng lên thay vì chỉ 100 triệu đồng như Dự Luật. Kinh nghiệm của một số quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy, mức phạt đối với hành vi xâm phạm quyền thông tin cá nhân của người tiêu dùng, dịch vụ viễn thông có thể lên tới 4% doanh thu năm tài chính trước đó của DN có hành vi vi phạm.
Theo ĐB Lê Công Đỉnh (đoàn Long An), mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật, tức là khi vi phạm hành chính thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Nếu không tự thực hiện thì phải tiến hành cưỡng chế thi hành, chứ không phải phạt rồi cho tồn tại.
Nghiên cứu bổ sung hình phạt
Cùng với tăng mức xử phạt vi phạm để xử lý đến nơi đến chốn, các ĐB cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung hình phạt buộc lao động công ích, bởi sẽ tác động trực tiếp đến người vi phạm, khiến họ suy nghĩ về hành vi vi phạm của mình, qua đó nhận thức, sửa chữa. Hình phạt này còn tác động đến nhận thức chung của cộng đồng. Theo các ĐB, có những trường hợp vi phạm phạt tiền không tác dụng do người vi phạm có điều kiện, sẵn sàng nộp tiền. Tuy nhiên cũng lưu ý, chỉ áp dụng hình phạt buộc lao động công ích với các đối tượng vi phạm từ 16 - 30 tuổi là độ tuổi thanh niên.
Dự Luật quy định: “Một hành vi vi phạm hành chính mà không có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt là mức trung bình của khung hình phạt được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung hình phạt. Trong trường hợp có tình tiết giảm nhẹ, thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung hình phạt”. Quanh nội dung này, các ĐB cho rằng, cần bổ sung quy định về nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức tăng, giảm tương ứng với tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ.
Các ĐB cũng phân tích, xử lý vi phạm hành chính với mức phạt rất cao nhưng thủ tục xử lý vi phạm về cơ bản lại không thay đổi, dựa trên quyết định đơn phương của người có thẩm quyền. Cơ quan hành pháp ngoài thực hiện chức năng chính là tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện quyền hành pháp, thì còn phải duy trì một bộ máy khá lớn trong xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đây là vấn đề cũng cần lưu ý.