Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, tạo sức răn đe

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi - Cục CSGT đang tham mưu xây dựng dự thảo nghị định xử phạt hành chính, dự kiến điều chỉnh tăng mức phạt với một số nhóm hành vi vi phạm giao thông. Việc tăng mức xử phạt là hoàn toàn cần thiết, nhằm nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện.

Đề xuất tăng tiền phạt

Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đang tham mưu xây dựng dự thảo nghị định xử phạt hành chính, trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức phạt với một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến quy tắc giao thông trên đường cao tốc và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.

Cục CSGT nhận định, thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm triển khai của lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng CSGT, tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Trong đó, tai nạn giao thông đã được kiềm chế, ý thức người tham gia giao thông từng bước nâng lên.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể tình hình trật tự an toàn giao thông hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt được ra như: hạ tầng giao thông phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; phương tiện tăng hàng năm gần 500 nghìn ô tô, hơn 2 triệu xe máy; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao...

Đáng chú ý, hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển được đề xuất tăng gấp 5 lần từ 4 - 6 triệu đồng với mức phạt cũ lên 28 - 30 triệu đồng.
Đáng chú ý, hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển được đề xuất tăng gấp 5 lần từ 4 - 6 triệu đồng với mức phạt cũ lên 28 - 30 triệu đồng.

Điều trên dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân do lỗi chủ quan của người lái xe; tai nạn liên quan đến độ tuổi học sinh còn xảy ra…

Để lập lại trật tự, kiềm chế tai nạn giao thông, nâng cao ý thức và xây dựng văn hóa giao thông văn minh, đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, đảm bảo việc tuyên truyền và chế tài xử lý phải mạnh để xử lý tương xứng với các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm đến trật tự an toàn giao thông.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, việc tăng mức xử phạt sẽ tập trung vào các các hành vi như: Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách đánh võng; một số nhóm hành vi không chấp hành các quy định về sở hữu phương tiện; gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, che biển số… Đây là hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao.

Đại diện Cục CSGT khẳng định, việc tăng mức xử phạt ở một số hành vi vi phạm nêu trên là hoàn toàn cần thiết, tuy chưa tương xứng với các quốc gia khác nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn trong việc nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện, xây dựng môi trường văn hóa giao thông bình đẳng văn minh và kiềm chế tai nạn giao thông.

Tăng gấp 5 lần

Đại diện Cục CSGT cho biết, dự thảo nghị định sẽ tăng nặng xử phạt với tài xế ô tô lùi xe trên đường một chiều, đường có biển cấm đi ngược chiều... Nếu như trước đây phạt tiền với hành vi này là từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng thì sẽ đề xuất tăng lên từ 9 - 11 triệu đồng.

Tương tự, tài xế điều khiển ô tô đi vào khu vực cấm, đường cấm thì sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu, thay vì 2 - 3 triệu như quy định hiện hành. Các hành vi như dừng, đỗ, quay đầu xe gây ùn tắc giao thông; quay đầu xe trong hầm đường bộ hoặc vượt không đúng quy định sẽ bị phạt từ 8 - 12 triệu đồng, thay vì phạt 2 - 3 triệu đồng.

Hành vi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông được đề xuất tăng từ 4 - 6 triệu đồng lên 8 - 10 triệu đồng.

Đáng chú ý, hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển được đề xuất tăng gấp 5 lần từ 4 - 6 triệu đồng với mức phạt cũ lên 28 - 30 triệu đồng.

Lý giải với mức đề xuất tăng này, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, Bộ Công an đang thực hiện cao điểm về việc ngăn chặn hiện tượng học sinh hoặc là trẻ trong độ tuổi học sinh điều khiển phương tiện gây tai nạn cho bản thân hoặc người khác. Nhất là hành vi sử dụng phương tiện vào các hoạt động tụ tập, đua xe, lạng lách, đánh võng...

"Ngoài nguyên nhân xử lý trực tiếp người sử dụng phương tiện, thì cần gắn trách nhiệm và xử lý những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển bởi hành vi này gián tiếp gây nguy hiểm cho xã hội, cần phải có chế tài xử lý nghiêm khắc" - Đại tá Phạm Quang Huy cho biết thêm.

Dẫn chứng trong thực tế, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý hình sự một số trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện gây tai nạn giao thông. Việc nâng chế tài xử phạt cũng là một hình thức răn đe, nâng cao ý thức chấp hành giao thông.