Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng năng suất trên cơ sở công nghệ cao

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói cho cùng, sở dĩ nền kinh tế của ta chưa thoát được nguy cơ tụt hậu là do năng suất lao động còn kém, không có sức cạnh tranh.

 Trong đó, năng suất lao động trong nông nghiệp là kém nhất, chỉ bằng 50% Thái Lan và bằng 15% nhiều nước trong ASEAN khác. Một đất nước 60% dân cư làm nông nghiệp, trên 80% diện tích đất đai, mà năng suất lao động kém như thế thì năng suất lao động trong toàn ngành kinh tế kém là điều tất nhiên.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong khi thời gian có hạn, không thể theo con đường tiệm tiến mà phải đi tắt đón đầu. Nghĩa là phải tiến hành nhiều thứ, trong đó hàng đầu là áp dụng công nghệ cao. Từ đó sẽ giúp việc dồn điền đổi thửa, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được thuận lợi, nâng cao thu nhập cho nông dân, tăng năng suất lao động trong nông nghiệp.

Ở Hà Nội, áp dụng công nghệ cao để thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang có nhiều tiến bộ. Chúng ta đã thay đổi được 30% diện tích lúa thông thường bằng lúa, hoa màu chất lượng cao, rút diện tích lúa vốn độc canh sang các loại hoa màu khác. Cứ đà này, chỉ ít lâu nữa, chúng ta sẽ có những vùng nông nghiệp không có lúa, hoặc diện tích lúa chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong toàn bộ diện tích. Nhưng đạt được điều đó không dễ. Vì muốn áp dụng công nghệ cao, cần dồn điền đổi thửa tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, thuần chất. Bao đời nay, nông dân chỉ ước ao được làm chủ mảnh đất của mình. Nếu không làm tốt việc tuyên truyền để người nông dân hiểu, tự nguyện giải quyết vướng mắc, so bì nội bộ việc dồn điền đổi thửa dễ bị hiểu là tước đoạt. Thứ hai là thay đổi hàng loạt tập quán sản xuất, từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác, từ thời vụ, kỹ thuật chăm sóc khi còn ngoài đồng tới sau thu hoạch, thị trường tiêu thụ. Thứ ba, cải tiến, tăng cường mạng lưới thông tin về giá cả, thị trường, kho bãi…

Để giải quyết những trở ngại đó, phải xây dựng nông thôn mới và song song tổ chức các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất tới tiêu dùng. Hiện nay, tổng số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Nội cao nhất cả nước, toàn TP đã xây dựng được 89 mô hình liên kết, trong đó cơ bản là liên kết theo chuỗi giá trị, nhưng thu nhập bình quân tính theo đầu người mới đạt 38 triệu đồng/năm, thấp hơn nhiều vùng. Đó là điều cần suy nghĩ. Xây dựng nông thôn mới là tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng công nghệ cao, thu nhập của nông dân tăng, mở ra thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trong nước. Phải cải tiến nhiều cơ chế, có nhiều cơ chế đặc thù trong chương trình nông thôn mới, để tạo môi trường thông thoáng, thu hút DN đầu tư vào chế biến nông sản, giảm tỷ lệ hư hỏng tại nhà, năng cao chất lượng nông sản dùng trong nước và xuất khẩu; các xã nông thôn mới không còn nợ xây dựng cơ bản, đời sống người dân cải thiện một cách vững chắc, trình độ thông tin, tay nghề được nâng cao là những tiền đề quyết định việc áp dụng công nghệ cao.

Hà Nội chưa từng sản xuất thực phẩm đảm bảo cho tiêu dùng. Chúng ta không đòi hỏi điều đó, nhưng chất lượng nông sản của Hà Nội phải rẻ và an toàn. Chỉ có thể áp dụng công nghệ cao sâu rộng hơn, tổ chức lại sản xuất lớn hơn, thông thoàng hơn, hiệu quả hơn theo kiểu hợp tác xã kiểu mới. Trước mắt, Tết Nguyên đán đang cận kề, Hà Nội cần hàng nghìn tấn rau thịt sạch, nhân dân đang trông chờ vào nông dân 385 xã tăng năng suất lao động trên cơ sở đầu tư công nghệ cao. Ngành NN&PTNT, KH&CN, quản lý thị trường, công an… hãy nghĩ đến điều đó.