Tăng niềm tin vào Chính phủ hành động

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

 Chính phủ đặt mục tiêu tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới
Tinh thần chung của Nghị quyết là thủ tục rườm rà phải được cắt giảm trong tất cả các lĩnh vực như: Giảm thủ tục đầu tư, kinh doanh, cắt giảm các thủ tục thuế, hải quan, trong cấp phép xây dựng, đăng ký đất đai, tiếp cận vốn, giảm chi phí logistics. Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục… cũng được yêu cầu cải thiện về quản lý cấp thị thực, du lịch, liên thông tích hợp dữ liệu…Với Nghị quyết trên, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cắt giảm ít nhất 50% các thủ tục, điều kiện kinh doanh trong từng lĩnh vực ngay trong năm 2018.
Để hiện thực hóa, không chỉ bằng lời nói mà là thực tế hành động, Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ ngành, địa phương phải vào cuộc. Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và DN; kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong công tác cải cách thủ tục hành chính, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng.

Nhìn lại quá trình thực hiện NQ 19 bắt đầu từ 2014 đến nay đã đạt được hiệu quả nhất định, song vẫn còn không ít bất cập, hạn chế. Dù chi phí chính thức đã giảm nhưng vẫn còn các chi phí không chính thức như nạn phong bì, chi phí ngoài luồng "hành" DN. Quan trọng nhất là phải công bằng, minh bạch đối xử như nhau không lợi ích nhóm, không tư hữu. Ngăn chặn và chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, DN sân sau, thao túng chính sách để trục lợi; xây dựng văn hoá doanh nhân, đạo đức DN. Như TS Nguyễn Đình Cung nói: “Cải thiện môi trường kinh doanh chính là phải làm cho DN tự do hơn, kinh doanh an toàn hơn, bình đẳng hơn, kết nối nhanh hơn, cảm nhận được an toàn trong kinh doanh. Hãy chia sẻ nhiều hơn với người dân, DN, hỗ trợ họ làm sao tạo niềm tin hai bên".

Điều thuận lợi hiện nay là một Chính phủ mới rất năng động, Chính phủ kiến tạo và hành động, tập trung vào cải cách thể chế và cải cách hành chính Nhà nước. Năm 2018 đã khởi đầu với những động thái xử lý khá nghiêm minh và quyết liệt đối với những vi phạm kỷ luật, lập lại kỷ cương trong bộ máy quản lý Nhà nước. Công cuộc phòng chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ngày càng được tăng cường.

Với những gì đang làm, cải thiện tất cả các lĩnh vực, thực hiện Chính phủ điện tử, tăng đối thoại; chống tham nhũng và cải cách thể chế để “giữ lửa” niềm tin người dân, DN; là giải pháp căn cơ nhất để huy động nguồn lực trong xã hội, kể cả tiền vốn và trí tuệ của Nhân dân, DN cho đầu tư phát triển và tăng trưởng GDP một cách bền vững.