Nguy cơ tụt hậu vì thiếu sáng tạo
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Những con số trên cho thấy sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Song, theo ông Lưu Duy Dần, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã. Nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ, giá thành hợp lý. Hiện nay, sức hấp dẫn bị giảm đi đáng kể khi không có sự thay đổi mẫu mã, nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao.
Trở lại thị trường trong nước, phần lớn các sản phẩm làng nghề vẫn được sản xuất theo hình thức mẫu mã cổ truyền như tranh tứ linh, tranh tứ quý (khảm trai, sơn mài), hạc đồng, đỉnh đồng, chuông đồng (đúc đồng), sập gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối (mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ), chụp đèn, bàn ghế (mây tre đan)… Một số sản phẩm cũng được cải tiến cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tuy nhiên nhìn chung hình thức, mẫu mã của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề còn chậm cải tiến, đối mới, đột phá để theo kịp với sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường.
Đồng tình, PGS.TS Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều nhược điểm trong sáng tác, thiết kế sản phẩm tại các làng nghề, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Vì thế, việc tìm chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước đối với mặt hàng này vẫn còn khá chật vật. Hiện có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng, lý do chính là vì thiếu sáng tạo trong mẫu mã sản phẩm…
Thực tại của đội ngũ thiết kế còn những khập khiễng và yếu điểm, nên sản xuất chưa thật sự đúng với nhu cầu khách hàng. Các thiết kế chỉ làm theo đơn hàng hoặc sao chép mẫu mã có sẵn trên thị trường, những mẫu thiết kế còn thiếu tính thương mại nên rất khó để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. PGS.TS Đặng Mai Anh Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp
Nguyên nhân là do tính thực hành trong quá trình đào tạo không được tiếp cận nhiều, thiết kế chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, hoặc thiết kế có tính khả thi trong quá trình chế tác sản xuất nhưng chưa thể sản xuất số lượng lớn.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức chia sẻ, việc thiết kế mẫu mã có vai trò then chốt, chiếm tới 30-50% sự thành công của đơn hàng khi vào thị trường EU - một thị trường truyền thống quan trọng của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam và nổi tiếng khó tính. Vì vậy, quá trình khôi phục và phát triển của Công ty CP gốm Chu Đậu luôn xác định đổi mới thiết kế mẫu mã sản phẩm là nhiệm vụ quan trọng xuyên xuốt trong những năm qua.
Cải tổ, đào tạo đội ngũ thiết kế
PGS.TS Đặng Mai Anh Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho rằng, để sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam phát huy và giữ được những giá trị truyền thống nhưng vẫn thích ứng và phù hợp với xu thế thời đại, tạo nên những giá trị kép hàm chứa yếu tố văn hóa, mỹ thuật, bảo lưu nghề truyền thống và mang lại những giá trị kinh tế. Đây là những vấn đề cần nghiên cứu và có những hướng đi thích hợp trong tình hình thực tế hiện nay hội nhập Quốc tế để giữ và phát huy được giá trị của sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất cần xác định đầu tư cho thiết kế mẫu mã là đầu tư cho phát triển giá trị gia tăng của sản phẩm. Chủ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất cần nghiên cứu xu hướng thị trường để nắm bắt diễn biến thị hiếu người tiêu dùng đối với những sản phẩm của mình để có những thiết kế phù hợp. Việc thiết kế sáng tạo mẫu mã có thể thông qua các nhà thiết kế chuyên nghiệp, tranh thủ các ý tưởng sáng tạo độc đáo mới mẻ của các sinh viên ngành mỹ thuật và các nghệ nhân trẻ hoặc tìm kiếm học hỏi tại các hội chợ triển lãm ngành nghề. Từ đó, hình thành các mẫu mã mới, các dòng sản phẩm độc đáo, các bộ sưu tập theo mùa đáp ứng thị hiếu từng phân khúc khách hàng, từng phân khúc thị trường.
Theo chuyên gia cao cấp Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cần tổ chức nghiên cứu sâu sắc hơn nữa những vấn đề về lý luận và phương pháp luận cũng như về vai trò, vị trí của mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay. Công tác tạo mẫu, tạo dáng là một loại hoạt động gắn bó chặt chẽ kinh tế với kỹ thuật, kỹ thuật với mỹ thuật; cũng tức là kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố kinh tế - kỹ thuật; văn hóa - thẩm mỹ với yếu tố khoa học - công nghệ.
“Trước yêu cầu của tình hình mới, nên có sự hợp tác chặt chẽ giữa những người làm công tác tạo mẫu, tạo dáng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tức là các hội, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ” – ông Tuấn nêu ý kiến.
TS Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm Làng nghề Việt Nam khuyến nghị, vấn đề đặt ra là cần thiết phải cải tổ, đào tạo nâng cao năng lực phận thiết kế, mẫu mã cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc.
Cùng với đó, phải xây dựng bộ tiêu chí về hàng thủ công mỹ nghệ, làm thế nào hàng hóa vừa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, có giá trị thẩm mỹ, đáp ứng được nhu cầu sử dụng, có giá trị sử dụng, hàng hóa phải tiện dụng, phải tốt, giá thành hợp lý... Đầu tư tài chính đào tạo đội ngũ sáng tác mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ. Các doanh nghiệp, làng nghề... cần liên doanh liên kết với Trường Đại học mỹ thuật Công nghiêp thường xuyên mở các lớp đào tạo thiết kế mẫu mã ở trình độ Sơ cấp, Trung cấp mỹ thuật cho đội ngũ sáng tác mẫu, mã.