Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng thuế lĩnh vực điện ảnh: cân nhắc kỹ lưỡng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên gấp đôi với lĩnh vực văn hóa đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Theo các chuyên gia, đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nó có thể tạo ra tác động sâu rộng đến sự phát triển văn hóa.

Gánh nặng chi phí

Hơn 30 DN điện ảnh Việt Nam vừa đồng loạt ký vào văn bản khẩn kiến nghị về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 26/11 tới.

Đạo diễn, nhà sản xuất Charlie Nguyễn và Thu Trang. Ảnh: FBNV
Đạo diễn, nhà sản xuất Charlie Nguyễn và Thu Trang. Ảnh: FBNV

Trong đó, một điểm đáng chú ý là các DN nêu ra lý do đại dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020 và kéo dài trong suốt hơn 2 năm đã làm cho nền kinh tế nói chung và ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thêm vào đó, bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thay đổi về nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch, sức mua của người dân giảm… đang tạo nên những khó khăn rất lớn cho các DN điện ảnh. Văn bản cho rằng, đề xuất tăng thuế suất từ 5% lên 10% là không có bất kỳ lý giải hay lập luận khoa học và thực tiễn nào.

Theo đạo diễn, NSND Trần Lực - người sáng lập đoàn kịch tư nhân LucTeam, việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao lên gấp đôi là ngầm khẳng định sự ưu ái cho ngành đã không còn. “Nếu tăng thuế kích thích sân khấu phát triển thì rất tốt nhưng nếu không được xin hãy giữ nguyên. Tôi không biết dự thảo dựa vào cơ sở nào để đưa ra việc tăng thuế này. Không thể dựa vào thành công của 1 - 2 bộ phim để đánh giá, quyết định tăng thuế, bởi những bộ phim thành công chỉ lớn chỉ là số ít” – NSND Trần Lực cho hay.

Ngành điện ảnh gặp nhiều khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19. Ảnh: Lại Tấn
Ngành điện ảnh gặp nhiều khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19. Ảnh: Lại Tấn

Không riêng lĩnh vực điện ảnh, nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, các chuyên gia cho rằng, mức thuế cao hơn sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí cho hoạt động nghệ thuật, giải trí và thể thao, từ đó làm giảm khả năng tiếp cận của người dân với các sản phẩm văn hóa. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những đối tượng thu nhập thấp, làm cho khoảng cách tiếp cận văn hóa giữa các tầng lớp trong xã hội có nguy cơ gia tăng.

Về lâu dài, nếu chi phí cho các dịch vụ văn hóa và thể thao tăng lên, người dân có thể sẽ bớt dành thời gian và nguồn lực cho việc thưởng thức các hoạt động này, khiến nền tảng văn hóa cộng đồng trở nên yếu đi. Các nghệ sĩ và nhà sáng tạo cũng có thể bị hạn chế nguồn lực để đầu tư vào các sản phẩm chất lượng, điều này làm giảm sức cạnh tranh của ngành văn hóa và thể thao nước ta trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, đề xuất tăng gấp đôi thuế giá trị gia tăng đối với lĩnh vực văn hóa chắc chắn sẽ gây áp lực không nhỏ lên các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Việc tăng thuế sẽ làm tăng chi phí hoạt động của DN, khiến họ buộc phải điều chỉnh giá bán sản phẩm và dịch vụ để bù đắp khoản thuế tăng thêm. Điều này có thể dẫn đến việc nhiều DN nhỏ và vừa gặp khó khăn về tài chính, thậm chí phải giảm quy mô hoạt động hoặc ngừng hoạt động. Những DN lớn, mặc dù có khả năng điều chỉnh chi phí tốt hơn, vẫn phải đối mặt với nguy cơ giảm sức cạnh tranh do giá thành cao hơn so với sản phẩm ngoại nhập hoặc so với các lĩnh vực khác không bị ảnh hưởng bởi tăng thuế. 

 

Trong khi chủ trương trước đó luôn nhấn mạnh phải hỗ trợ, đặt văn hóa phát triển ngang hàng với các ngành kinh tế, chính trị mà lại có cơ chế về thuế như vậy là không nhất quán. Công nghiệp văn hóa của chúng ta mới manh nha phát triển, một số ngành ghi nhận thành quả đáng mừng ở một số phim điện ảnh và biểu diễn, không nên áp mức thuế chung cho cả ngành.

PGS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Về phía người dân, khi giá cả của các sản phẩm văn hóa tăng lên, khả năng tiếp cận của họ với các hoạt động nghệ thuật, giải trí và giáo dục văn hóa sẽ bị thu hẹp. Trong khi đó, văn hóa có vai trò quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách và xây dựng lòng tự hào dân tộc. Khi người dân ít tiếp cận được với văn hóa có nguy cơ mất dần những giá trị cộng đồng, bản sắc và sự sáng tạo – những yếu tố nền tảng giúp xã hội phát triển bền vững.

Cần giải pháp linh hoạt

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã khéo léo áp dụng các chính sách thuế ưu đãi để phát triển văn hóa và nghệ thuật, là những bài học quý giá mà Việt Nam có thể tham khảo. Chẳng hạn, Canada nổi bật với chính sách miễn thuế cho nhiều sản phẩm văn hóa, từ sách cho đến các sản phẩm âm nhạc. Chính sách này không chỉ giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với văn hóa mà còn khuyến khích sự sáng tạo và sản xuất nội địa. Kết quả là Canada đã xây dựng được một nền văn hóa phong phú, đa dạng và được quốc tế công nhận.

Sân khấu có nhiều khởi sắc, thu hút khán giả. Ảnh: Lại Tấn
Sân khấu có nhiều khởi sắc, thu hút khán giả. Ảnh: Lại Tấn

Tương tự, Thụy Điển cũng thành công trong việc phát triển văn hóa thông qua chính sách ưu đãi thuế. Quốc gia này đã tạo ra các quỹ văn hóa, khuyến khích sự tham gia của các DN tư nhân thông qua việc giảm thuế cho các khoản đầu tư vào nghệ thuật và văn hóa. Nhờ vậy, Thụy Điển đã thu hút được nhiều tài năng nghệ thuật và phát triển một nền văn hóa hiện đại, năng động, từ đó tăng cường bản sắc dân tộc, niềm tự hào của người dân.

Một ví dụ nữa là New Zealand, nơi chính phủ đã xây dựng một hệ thống thuế linh hoạt giúp các nghệ sĩ và nhà sáng tạo có thể tận dụng tối đa nguồn lực tài chính. Nhờ những chính sách này, văn hóa Maori được bảo tồn, phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự đa dạng văn hóa và bản sắc quốc gia.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, từ những thành công của các quốc gia này, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học quý giá. Đầu tiên, việc xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các chính sách thuế ưu đãi là rất cần thiết. Chỉ khi các nghệ sĩ và DN hiểu rõ về những lợi ích mà họ có thể nhận được, họ mới có động lực để đầu tư vào văn hóa.

Thứ hai, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và khu vực tư nhân. Bằng cách tạo ra các chương trình hợp tác công - tư, chúng ta có thể huy động nguồn lực và tài năng từ nhiều nguồn khác nhau để phát triển văn hóa một cách bền vững.

Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, việc lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng văn hóa và nghệ thuật là điều không thể thiếu. Để làm được điều đó cần tạo ra các diễn đàn, hội thảo để nghệ sĩ, DN và chính quyền cùng nhau thảo luận, chia sẻ ý tưởng, từ đó điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp với nhu cầu thực tế của từng đối tượng. Khi tất cả cùng chung tay xây dựng, văn hóa Việt Nam sẽ không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển rực rỡ, trở thành niềm tự hào vững bền của dân tộc.

 

Tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường ngày 29/10, sau đó được tiếp thu, chỉnh lý và tiếp tục cho ý kiến. Dự kiến ngày 26/11 tới đây, Quốc hội sẽ bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật.

Trong các nội dung đề xuất sửa đổi lần này, một số quy định liên quan đến thuế về lĩnh vực văn hóa đang nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cũng như các văn nghệ sĩ, DN đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Theo quy định hiện nay, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8, các hàng hóa, dịch vụ nói trên bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10%.