Tăng thuế rượu, bia, thuốc lá là cần thiết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo "Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt" của Bộ Tài Chính trình Chính phủ dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2015, trong đó có đề xuất tăng thêm 15 - 30% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng bia, rượu, thuốc lá, nước giải khát có gas.

Theo nhiều ý kiến, tăng thuế và áp thuế TTĐB đối với những mặt hàng này là cần thiết, nhưng tăng bao nhiêu, tăng theo lộ trình nào để vừa định hướng tiêu dùng, tăng thu cho ngân sách, bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước và hạn chế được nhập lậu là bài toán cần được tính đến.

Nhiều ý kiến đồng tình
Trong 16 nhóm hàng hóa - đối tượng chịu thuế TTĐB mà Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm có: Rượu, bia, nước ngọt có gas không cồn sẽ được áp dụng thuế suất như sau: Rượu 20 độ trở lên có thuế suất từ 50% lên 65%; Rượu dưới 20 độ có thuế suất từ 25% lên 35%; Bia có thuế suất từ 50% lên 65%; Nước ngọt có gas không cồn thuế suất là 10%. Thuốc lá sẽ nâng từ 65% lên 75% từ ngày 1/7/2015 tới hết năm 2017, và sẽ nâng thêm 10% từ ngày 1/1/2018.
Đề xuất tăng thuế TTĐB của Bộ Tài chính lần này nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc tăng thuế rượu, bia là việc mà các nước trên thế giới đang làm và đã làm. Tăng thuế đồng nghĩa tạo đòn bẩy tăng giá. Các nhà sản xuất sẽ tăng giá bán khiến đối tượng tiêu dùng những sản phẩm này sẽ phải quan tâm vì túi tiền của họ bị ảnh hưởng. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đồng tình, đánh thuế cao là biện pháp tốt nhất lúc này để vừa thu ngân sách vừa để giảm nhu cầu với những mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng này.

Trong khi đó, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới  (WB) thì mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia của Việt Nam đang ở mức thấp, cần thiết phải tăng thuế suất đối với những mặt hàng này như Chiến lược cải cách hệ thống thuế 2011 - 2020 đã đề ra. Dự kiến số thu ngân sách đối với nước ngọt tăng khoảng 1.500 tỷ đồng vào năm 2016 và đến năm 2018 vào khoảng 1.900 tỷ đồng. Đối với mặt hàng thuốc lá, Bộ Tài chính ước tính số thu từ sắc thuế này sẽ đóng góp cho ngân sách năm 2016 khoảng 2.930 tỷ đồng, năm 2017: 3.300 tỷ đồng, năm 2018: 7.700 tỷ đồng.

 
Dây chuyền sản xuất bia Đại Việt. Ảnh: Trần Việt
Dây chuyền sản xuất bia Đại Việt. Ảnh: Trần Việt
Cần thêm nhiều giải pháp khác
Hiện mỗi năm thuế TTĐB nộp vào ngân sách khoảng 35.000 - 40.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là từ các mặt hàng bia rượu, thuốc lá. Riêng mặt hàng bia đang phải chịu ba loại thuế gồm thuế TTĐB (50%), thuế nhập khẩu (50%) và thuế giá trị gia tăng (10%). Phía các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước cho rằng, mức thuế như trên là tương đối cao. Chưa kể đối với các mặt hàng này, mức thuế còn phải thực hiện theo cam kết WTO. "Thuế TTĐB cao cản trở đến quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các DN" - ông Hồ Văn Hải - Giám đốc Công ty CP Cồn, Rượu Hà Nội (Halico) lo ngại và cho rằng, nếu thuế TTĐB cao, công ty cũng khó có thể cạnh tranh được với rượu do người dân tự nấu và hàng nhập lậu.Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế phân tích, thuế TTĐB là thuế nội địa, việc tăng hay giảm là phụ thuộc vào thẩm quyền của Quốc hội, còn thuế nhập khẩu liên quan đến cam kết quốc tế. Từ đây, nếu muốn tăng thuế mặt hàng bia chỉ có thể tăng thuế tiêu thụ nội địa. Về nguyên tắc, nếu muốn hạn chế mặt hàng nào đó thì Nhà nước sẽ tăng thuế, nhưng khi tăng thuế phải kiểm soát được buôn lậu, trốn thuế.

Trong khi đó, ước tính của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho thấy, thuốc lá nhập lậu ngày càng tăng mạnh, năm 2013 chiếm tới 22,2% thị phần, khiến Nhà nước thất thu khoảng 7.000 tỷ đồng tiền thuế. Nguyên nhân do giá thành thuốc lá ở Việt Nam cao vì thuế cao. Tương tự, ở bất cứ đâu, người tiêu dùng đều có thể mua được rượu "xách tay", nhập lậu với đủ mọi chất lượng, từ cao cấp tới… độc hại. Vì vậy, nếu tăng thuế TTĐB không hợp lý chắc chắn sẽ khiến cuộc chiến chống thuốc lá, rượu lậu sẽ cam go hơn. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, tăng thuế và áp thuế TTĐB đối với bia, rượu, thuốc lá, nước giải khát có gas là cần thiết, nhưng tăng bao nhiêu, tăng theo lộ trình nào là bài toán cần được các đại biểu Quốc hội tìm lời giải chính xác khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. "Tôi cho rằng, chúng ta cũng phải siết lại khâu phân phối, không thể để các cửa hàng, quán nhậu có thể dễ dàng bán vô tội vạ như hiện nay" - Chủ tịch Hiệp Hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú kiến nghị.
Tại Hàn Quốc, kinh doanh rượu và bán bia đều phải có giấy phép. Sinh viên dưới 18 tuổi không được phép uống rượu bia. Người đã uống phải thuê xe khác để về, bởi nếu cảnh sát bắt được sẽ bị tước bằng lái. Tại Áo, vào những chiều thứ Bảy, Chủ nhật ở các đầu mối giao thông, cảnh sát thường đón các xe hơi, nếu lái xe có độ cồn sẽ bị phạt tiền nặng và nếu bị thông báo đến cơ quan làm việc, người đó có thể bị đuổi việc.

TS Trần Đình Lâm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á