Mới đây, Bộ Tài chính đã khởi động lấy ý kiến định hướng xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Xung quanh Dự án Luật này đã có nhiều ý kiến khác nhau.
Băn khoăn phạm vi giám sát
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, dự kiến, tháng 7/2013, Bộ sẽ trình Chính phủ Dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Theo đề cương, Luật này chỉ điều chỉnh đối với chủ sở hữu Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào DN; Công ty TNHH do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện theo ủy quyền phần vốn Nhà nước đầu tư tại DN. "Quy định như vậy để tránh tình trạng quản lý DNNN lỏng lẻo tới mức có người gọi là "buông" và cũng tránh tình trạng cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản của DN can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, không tạo điều kiện để DN phát huy sáng tạo, linh động trong hoạt động đầu tư khiến hiệu quả kinh tế thấp" - ông Hiếu giải thích.
Quản lý và sử dụng vốn trong DNNN phải minh bạch, đạt hiệu quả kinh tế cao.Trong ảnh: Bảo dưỡng trạm điện tại Thanh Hóa.Ảnh: Hùng Huy
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, nếu chỉ quản lý như vậy, khó có thể hạn chế được tình trạng thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Theo TS Lê Đăng Doanh, "vốn Nhà nước cấp cho DN và nguồn vốn bổ sung cho DN trong quá trình hoạt động chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng vốn hoạt động của DN. Trong quá trình hoạt động, DN phải vay vốn ngân hàng, huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh… DN sử dụng những nguồn vốn này đầu tư vào công ty con, công ty con đầu tư vào công ty cháu, công ty cháu lại đầu tư vào công ty chắt… DN sử dụng các nguồn vốn mà mình có hay có thể huy động được để liên doanh, liên kết, thì sử dụng cơ chế nào để quản lý?".
Chính kiểu quản lý buông lỏng này đã gây ra những Vinashin, Vinalines, với hàng ngàn tỷ đồng thất thoát, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. "Đã là tiền và tài sản của dân, dù giá trị chỉ là một đồng cũng phải được quản lý, giám sát chặt chẽ". Có nghĩa là, đối tượng điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào DN không chỉ là DN 100% vốn Nhà nước, mà cả công ty con, cháu, chắt… nếu được đầu tư, góp vốn của DN 100% vốn Nhà nước, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Cần định rõ trách nhiệm
Quản lý toàn bộ vốn và tài sản Nhà nước tại DN rất phức tạp. Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, để làm được việc này, phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò của từng DN Nhà nước.
Nêu lý do cần thiết phải có Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, thực tế vốn Nhà nước tại các DN đang được sử dụng chưa thật sự hiệu quả. Đơn cử, có rất nhiều DNNN sau khi cổ phần hóa đã không chuyển phần vốn về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, theo ông Quang, qua tiếp xúc với nhiều lãnh đạo ở địa phương cho rằng, nếu có chuyển giao vốn về SCIC, DN hoạt động cũng không hiệu quả. Hiện nay, trong khoảng 50.000 tỷ đồng vốn Nhà nước nằm ở SCIC thì vốn do DN này trực tiếp kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ là 2%. Hàng chục ngàn tỷ đồng được SCIC… gửi ngân hàng.
TS Lê Đăng Doanh nhận định nếu như đồng vốn của Nhà nước được đổ vào kinh doanh thì đầu tiên nó phải theo các quy luật kinh doanh, mục đích của nó phải là lợi nhuận. Chúng ta không được nhầm lẫn mục đích lợi nhuận với mục đích xã hội. Thứ hai, khi đã giao quyền quản lý kinh doanh và quyền sử dụng đồng vốn cho DN thì phải có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp để giám sát. Ở đây cũng chính là vấn đề con người, cán bộ thực hiện, định rõ trách nhiệm.
Cũng nhấn mạnh đến câu chuyện giám sát, kiểm soát, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Đặng Văn Thanh đề cập tới vai trò của kế toán, kiểm toán, thanh tra đối với DNNN. Chế độ kiểm toán nội bộ cần được khôi phục lại đưa vào quy định, việc này giúp kiểm soát rủi ro trong kinh doanh, phần nào tránh được sai lầm về quản lý tài chính gây hậu quả xấu. Ngoài ra, trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc về hiệu quả sản xuất kinh doanh cần được quy định rõ ràng. Đặc biệt, cả ông Doanh và ông Thanh cùng đề xuất và nêu quan điểm: "Vốn và tài sản là của dân, vì vậy phải do cơ quan dân cử (Quốc hội, UBND cấp tỉnh) làm chủ sở hữu và chỉ giao Chính phủ (cụ thể là Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu). Việc quản lý, sử dụng vốn phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của người dân thông qua cơ quan dân cử".