Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng tốc giải ngân đầu tư công: Giảm áp lực lên giá vật liệu xây dựng

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD) luôn trong tình trạng bất ổn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sớm tăng tốc giải ngân đầu tư công hy vọng giúp hạ nhiệt giảm bớt áp lực đối với các DN ngành xây dựng.

Dự án xây dựng cầu vòm sắt dành cho xe máy đi thấp qua hồ Linh Đàm (nằm dưới đường Vành đai 3 trên cao). Ảnh: Thành Luân  
Dự án xây dựng cầu vòm sắt dành cho xe máy đi thấp qua hồ Linh Đàm (nằm dưới đường Vành đai 3 trên cao). Ảnh: Thành Luân  

Áp lực giá đầu vào

Chỉ trong tháng 6, thị trường vật liệu xây dựng đã liên tục có sự điều chỉnh về giá bán. Cụ thể, ngay ngày 27/6, các thương hiệu thép đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng từ 150.000 - 300.000 đồng/tấn - đây là đợt giảm liên tiếp lần thứ 4 chỉ tính riêng trong tháng 6 và lần thứ 7 tính từ đầu tháng 5. Trong khi giá thép liên tục điều chỉnh giảm thì xi măng tăng giá 3 lần tính riêng trong tháng 6/2022. Việc giá thành VLXD dựng cơ bản, đặc biệt với xi măng, tăng cao trong thời gian vừa qua ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, kinh doanh của DN sản xuất.

Báo cáo của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, 5 tháng đầu năm nay đã tiêu thụ 11,9 triệu tấn xi măng, clinker (đạt 96,4% kế hoạch). Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt gần 9,2 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu 1,56 triệu tấn, tăng 2%; doanh thu đạt 15.700 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, do giá đầu vào tăng quá mạnh, nên dù doanh thu cao hơn nhờ điều chỉnh tăng giá bán xi măng từ đầu năm, song lợi nhuận 5 tháng đầu năm của Vicem vẫn giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2021, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN.

Khi DN sản xuất "tự cứu mình" bằng việc điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm, nhưng việc này lại gây áp lực đến nhóm DN thi công xây dựng. Tại công trường dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, Giám đốc điều hành dự án Hoàng Đình Hiếu cho biết, mặc dù tiến độ vẫn đang được đảm bảo nhưng giá cả VLXD tăng cao khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn.

"Các hạng mục hiện tại gặp khó khăn khi cần rất nhiều xi măng, bê tông, nhựa đường... thì tăng mạnh giá bán khiến chi phí nhập vào từ đầu năm đến nay đang bị đội lên đến 40%; chi phí xăng, dầu cho 40 máy thi công chính cũng phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng" - ông Hoàng Đình Hiếu chia sẻ.

Giá VLXD tăng cao sẽ dẫn đến hệ lụy các dự án đầu tư xây dựng có khả năng bị đội vốn, vượt tổng mức đầu tư, dự toán đã được phê duyệt. Các nhà thầu đều mong muốn Nhà nước kịp thời cập nhật, công bố giá VLXD, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp, sát với mặt bằng giá thị trường. Còn đối với công trình đầu tư từ nguồn vốn tư nhân, nguồn lực xã hội, các chủ đầu tư nên xem xét, chia sẻ với nhà thầu trong giai đoạn khó khăn này.

Kỳ vọng giải ngân đầu tư công

Trái với nhiều mặt hàng như thép xây dựng, tôn mạ, nhựa xây dựng... có nguồn thu không nhỏ từ xuất khẩu thì thị trường tiêu thụ chính của ngành xi măng là nội địa. Bởi vậy, các DN xi măng còn có thêm một mối lo lớn khi tốc độ giải ngân các dự án đầu tư công bị chậm. Báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm mới đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%); vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%).

PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, Chính phủ đang thực hiện chương trình “Phúc lợi và Phát triển” . Trong khi các nước chỉ đang định hướng phục hồi thì Việt Nam lại đặt mục tiêu phát triển mạnh hơn. "Để có thể thực hiện được mục tiêu này, cần cải cách, thay đổi cơ chế thật quyết liệt, bởi sau những thiệt hại thì yếu kém trong cách quản lý điều hành đã lộ dần, có thể kể đến là sự chậm chạp trong quá trình giải ngân đầu tư công. Đầu tư công càng chậm thì nền kinh tế đất nước càng “chảy máu”..." - PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay.

Đầu tư công sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế khi được giải ngân hiệu quả. Theo Công ty CP Chứng khoán VNDirect, 4 ngành hưởng lợi nhất từ đầu tư công là xây dựng hạ tầng, thép xây dựng, đá xây dựng và nhựa đường. Còn với Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, nhận định, nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công là VLXD, thi công, nhà thầu và bất động sản.

 

Trước tình trạng “bão giá” vật liệu xây dựng tại nhiều địa phương, Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý chi phí hợp đồng xây dựng, trong đó có việc quản lý giá vật liệu, thiết bị, đơn giá xây dựng tại 7 địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Cần Thơ, Tiền Giang. Thời gian kiểm tra trong quý II và quý III/2022.